Được giúp vốn buôn bán, gia đình chị Lê Ngọc Luyến (quận 6, TP. HCM ) đã thoát nghèo.(Ảnh: sggp.org.vn)
Hiện nay, TP.HCM tiếp tục là địa phương đi đầu cả nước về công tác xóa đói giảm nghèo. Kết thúc năm 2012, TP.HCM có 58 phường, xã không còn hộ nghèo thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm; số phường sớm cán đích chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 vào năm 2012 đạt gấp đôi so với kế hoạch đặt ra, nhiều bài học kinh nghiệm hay cũng đã được rút ra. Trong tình hình kinh tế khó khăn nhưng quyết tâm chính trị, cùng với sự đồng thuận của nhân dân đã tạo ra nguồn lực giúp các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Không là quận trung tâm nhưng quận 6, TP.HCM vừa trở thành quận đầu không còn hộ nghèo theo tiêu chí 12 triệu đồng/người/năm, hoàn thành mục tiêu giai đoạn 3 trước kế hoạch 2 năm.
Với nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo và huy động từ các quỹ xã hội, quận 6 đã vận động gần 90 tỷ đồng cho 5.700 hộ vay vốn để tự tạo công ăn việc làm. Từ đó, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2009 đến 2012 quận đã giúp hơn 1.000 hộ thoát nghèo.
“Một trong những lực lượng làm tốt góp phần giảm nghèo đó là vai trò của MTTQ của từng khu phố tham gia vào chương trình”, ông Phan Ngọc Minh, Bí thư quận ủy quận 6, TP. HCM cho biết.
Bài học kinh nghiệm của quận 6 trong công tác xóa đói giảm nghèo không chỉ là sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền mà điều quan trọng là phải có sự phối hợp để các thành phần tham gia cùng chung tay giúp đỡ người nghèo. Theo Sở Lao động thương binh và xã hội TP. HCM, để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, việc dạy nghề và nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn được các quận, huyện xác định là yếu tố then chốt.
Hỗ trợ tích cực cho các phong trào, những năm gần đây chỉ riêng Mặt trận Tổ quốc TP.HCM mỗi năm Qũy Vì Người nghèo đã huy động gần 100 tỷ đồng giúp cho hộ chính sách, dân nghèo về vốn, dạy nghề, phương tiện sản xuất để làm ăn. Từ trong các phong trào do cấp ủy, chính quyền phát động, các mô hình tự giúp nhau thoát nghèo, mô hình của hội phụ nữ và của hội nông dân đã nhanh chóng lan tỏa.
Ông Huỳnh Đăng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam TP. HCM, cho biết: “Điều làm tôi xúc động nhất là nay có những người nghèo giàu lên lại giúp những người nghèo khác. Các em sinh viên nhận học bổng nay có việc làm cũng quay lại hỗ trợ sinh viên khác”.
Ngoài các chính sách hỗ trợ chung, từng hộ nghèo trong 1.200 hộ đặc biệt khó khăn đã được các chính quyền địa phương giới thiệu cho các mạnh thường quân đỡ đầu hàng tháng. Công tác chăm lo dân nghèo đã huy động được sức mạnh từ thành phố, quận, phường đến tận khu phố, tổ dân phố. Dự kiến, từ năm 2014, thành phố sẽ chuyển giai đoạn giảm nghèo với một chuẩn nghèo cao hơn.