"Em chưa muốn chết đâu… con em còn quá nhỏ"
Nước mắt cứ theo nhau trào ra trên khóe mi kèm nhèm của người phụ nữ trẻ trên giường bệnh khoa Nội thận, bệnh viện Chợ Rẫy. Chị là Nguyễn Thị Cẩm Dương (25 tuổi, người đồng bào Chăm, ngụ tại tỉnh Ninh Thuận) đang phải điều trị tích cực bởi những biến chứng đặc biệt nguy hiểm, đe dọa cướp đi sinh mạng bất kỳ lúc nào.
Người mẹ khốn khổ giàn giụa nước mắt khi thần chết đang gọi tên mình
Hơn 7 năm trước, chị Cẩm Dương phải nhập viện do cơ thể đột nhiên sụt cân, mệt mỏi, đau nhức các khớp, nổi các ban đỏ bất thường trên da. Sau các kết quả xét nghiệm, bác sĩ xác định chị bị bệnh lupus ban đỏ nên đề nghị phải điều trị, theo dõi định kỳ. Nhờ sức trẻ và việc tái khám, uống thuốc điều độ, chị vượt qua được bệnh tật, có cuộc sống như những người bình thường.
Cảm mến cô hàng xóm dù mang bệnh nhưng siêng năng tháo vát, anh Tài Đại Trà (28 tuổi) mang lòng yêu thương. Tình yêu lớn dần sau nhiều năm gắn bó, theo chế độ mẫu hệ của đồng bào Chăm, anh được chị Cẩm Dương cưới về làm chồng. Hai bên gia đình đều khó khăn, sau ngày cưới cặp vợ chồng trẻ đã vào Bình Dương xin việc làm với hi vọng cuộc sống sẽ ngày càng tốt đẹp
Cậu bé "đầu to hơn người" này may mắn được chào đời nhưng sắp chịu kiếp mồ côi
Tình yêu của họ càng thăng hoa khi chị Cẩm Dương mang thai đứa con đầu lòng. Vợ chồng họ chưa kịp vui mừng thì quá trình thai nghén kết hợp với bệnh lupus khiến sức khỏe của người mẹ tuột dốc, chị liên tục phải nhập viện. Bác sĩ khuyên vợ chồng chị nên bỏ thai để giữ lấy an toàn cho mẹ, nếu giữ thai việc điều trị bệnh lupus cũng sẽ bị ảnh hưởng, nguy cơ sảy thai hoặc tử vong cả mẹ lẫn con.
Sau nhiều đêm thức trắng, chị quyết định chấp nhận nguy hiểm chứ quyết không bỏ giọt máu của mình. Vợ chồng khăn gói trở về vùng quê nghèo để dưỡng thai. Phần vì kinh tế quá khó khăn lại thêm sợ thuốc trị lupus ảnh hưởng đến con nên chị đã bỏ hẳn việc điều trị. Ở vùng quê nghèo không có việc làm, anh Đại Trà phải đi chăn đàn bò cả trăm con với thu nhập hơn 30 triệu đồng một năm.
Chị Cẩm Dương khắc khoải nỗi nhớ con thơ và khao khát được sống
Nỗ lực vượt lên số phận của vợ chồng họ đã được đền đáp khi bé trai Tài Nguyên Thái (SN: 2017) chào đời. Hết giai đoạn mang thai, người mẹ lại căn răng chịu bệnh hành hạ để cậu con trai có được bầu sữa mát lành. Khó khăn của gia đình và tình yêu thương vô bờ dành cho con đã khiến người mẹ bị những biến chứng của lupus quật ngã. Biết khoản chi phí điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng, trên giường bệnh chị nghẹn ngào: "em chưa muốn chết đâu… con em còn nhỏ quá".
Cần 150 triệu đồng để cứu 1 mạng người
PGS.TS.BS Trần Thị Bích Hương, khoa Nội thận, bệnh viện Chợ Rẫy cho phóng viên biết: "Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán "bùng phát viêm thận lupus, theo dõi biến chứng suy thận tiến triển nhanh". Tức là, bệnh nhân có thể mất hoàn toàn chức năng thận trong vòng 2 tháng nếu không can thiệp tích cực, người bệnh sau đó buộc phải chạy thận định kỳ nêu không sẽ tử vong".
PGS Bích Hương hi vọng cộng đồng sẽ thương xót giúp người mẹ khốn khổ được điều trị
Thực tế cho thấy, chỉ trong vòng 1 tuần chức năng thận của bệnh nhân chỉ còn 39%. Kết quả sinh thiết thận ghi nhận, bệnh nhân bị thuyên tắc huyết khối vi mạch cấp. Ngoài ra, người bệnh còn bị huyết khối ở nhiều nơi khác, nguy cơ gây tắc mạch máu não, suy tim cấp… tỷ lệ tử vong lên tới 90%. Cách điều trị duy nhất là thay huyết tương (khoảng 7 lần), sử dụng thuốc kháng đông tích cực, nếu có biến chứng sẽ kết hợp chạy thận, sau điều trị tái khám theo dõi định kỳ, hạn chế đi ngoài trời nắng, lao động nặng, tránh nguy cơ nhiễm trùng. Chỉ cần người bệnh đáp ứng được liệu trình điều trị, khả năng sống khỏe mạnh trên nền bệnh lupus có thể lên tới 80%.
Người bệnh hoàn cảnh quá khó khăn, không có bảo hiểm y tế, trong khi tổng chi phí điều trị cho liệu trình trên lên tới hơn 150 triệu đồng (khoảng 10 ngày điều trị). Người phụ nữ này còn quá trẻ lại có con nhỏ, sự sống của chị đang đếm ngược từng giờ. Chúng tôi sẽ cố gắng hết khả năng chuyên môn để cứu chữa, tuy nhiên nếu không có huyết tương thay thế và những loại thuốc đặc trị rất đắt tiền thì sự hỗ trợ chuyên môn cũng trở thành vô nghĩa.
Anh Đại Trà bất lực nhìn vợ "đếm ngược sự sống" trên giường bệnh
Anh Đại Trà gạt nước mắt: "Vợ chồng em chẳng có tài sản gì, hơn 2 năm nay đi chăn bò, kiếm được đủ gạo ăn là mừng lắm rồi. Con em từ nhỏ đến giờ ngoài sữa mẹ chỉ có cơm cháo qua ngày nên nó suy dinh dưỡng nặng lắm. Để có tiền cứu vợ, em đã xin ứng trước của ông chủ (người thuê vợ chồng anh Đại Trà chăn bò) 2 năm tiền công. Giờ tiền đã hết rồi nhưng vợ vẫn chưa cứu được… nhà em nghèo lắm nên đi vay không được".
Trao đổi với phóng viên, ông Tài Xà, Trưởng thôn Phước Nhơn 3, Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận cho hay: "Thôn chúng tôi thuộc diện vùng sâu vùng xa, hoàn cảnh cháu Cẩm Dương rất khó khăn, vợ chồng chỉ sống nhờ chăn bò thuê. Cháu Dương bị bệnh nhiều năm nay, giờ tình trạng bệnh trở nên rất nguy cấp, địa phương chúng tôi đang xét để đưa gia đình vào diện hộ nghèo. Chúng tôi rất mong cộng đồng quan tâm giúp đỡ để cháu Cẩm Dương được điều trị bệnh sớm trở về bên con thơ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!