Những nữ “doanh nhân bất đắc dĩ" ở xã vùng sâu Bình Phước

PV-Chủ nhật, ngày 09/08/2020 06:01 GMT+7

VTV.vn - Hơn 300 hội viên Hội Phụ nữ trong xã Đường 10, của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước học cách sử dụng internet và thành những "doanh nhân bất đắc dĩ" vươn lên thoát nghèo.

Đường 10 là xã vùng sâu, vùng xa, xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Cuộc sống khó khăn, nông sản rớt giá không tiêu thụ được, thất nghiệp nhiều nhưng trong "cái khó ló cái khôn", vài năm trở lại đây, hơn 300 hội viên Hội Phụ nữ trong xã học cách sử dụng internet và trở thành những "doanh nhân bất đắc dĩ" vươn lên thoát nghèo, góp phần giới thiệu đặc sản nông sản địa phương đến với mọi miền Tổ quốc.

* Doanh nhân bất đắc dĩ

Chị Đỗ Thị Mừng, hội viên Hội Phụ nữ xã, ngụ tại thôn 2, xã Đường 10, huyện Bù Đăng (Bình Phước) chia sẻ: Một năm trước, giống như nhiều gia đình trong xã, tôi trồng điều và tiêu nhưng cả hai loại nông sản này liên tục rớt giá. Cuộc sống của phụ nữ trong xã hầu hết gặp khó khăn, nhiều người đi làm thuê nhưng công việc cũng không ổn định. Nhờ biết đến internet, bán hàng online và đặc biệt nhờ có sản phẩm hạt điều Bình Phước, cuộc sống của chị em trong Hội đều khá lên.

Chị Mừng cho biết thêm, trong Hội Phụ nữ, người đi trước chỉ cho người đi sau, cứ như thế đến nay, phần lớn hội viên đã trở thành những "doanh nhân bất đắc dĩ" vừa giới thiệu đặc sản nông sản địa phương, vừa có việc làm, thu nhập ổn định. "Trung bình mỗi chị có thu nhập từ 300 - 400.000 đồng/người/ngày, người làm tốt có thể kiếm tiền triệu", chị Đỗ Thị Mừng phấn khởi.

Theo chị Vũ Thị Lê, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đường 10, Đường 10 là xã duy nhất của huyện Bù Đăng nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn, hơn 70% dân số trong xã là người dân tộc thiểu số. Người dân chủ yếu trồng điều, tiêu, cao su. Những năm gần đây, giá một số nông sản xuống thấp, thu nhập bấp bênh, đời sống sinh hoạt của người dân trong xã lại càng khó khăn. Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, nhờ tiếp cận được mô hình bán hàng online thông qua internet, hiện 4/6 chi Hội Phụ nữ trong xã tham gia bán hàng với hơn 300 hội viên trực tiếp giới thiệu, bán những mặt hàng là đặc sản địa phương.

"Nhận thấy sản phẩm hạt điều Bình Phước là đặc sản được đánh giá là ngon nhất thế giới, các hội viên Hội Phụ nữ tập trung bán các sản phẩm đặc thù của địa phương, trong đó chủ yếu là hạt điều, hạt tiêu, các mặt hàng dệt thổ cẩm của bà con dân tộc. Với cách làm này, ngoài tạo việc làm, tăng thu nhập cho mình, chị em còn giúp quảng bá mặt hàng nông sản đặc thù của địa phương, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát như hiện nay", chị Lê cho biết.

* Giúp quảng bá và tiêu thụ nông sản địa phương

Xã Đường 10 có hơn 2.200 hộ dân với gần 9.200 nhân khẩu, trong đó có gần 200 hộ nghèo, hơn 30 hộ cận nghèo. Trên địa bàn xã cũng có 15 dân tộc cùng sinh sống. Nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn cao là do người dân không có hoặc có ít đất sản xuất; hộ người dân tộc lại thường sinh nhiều con.

"Thời gian qua, tình hình tiêu thụ nông sản nói chung và hạt điều nói riêng bị ngưng trệ, người dân không bán được hàng. Nếu bán được, giá lại thấp. Qua quá trình tìm hiểu, một số chị trong xã đã tiếp cận được mô hình bán hàng trên mạng. Đến nay, toàn xã đã có hàng trăm chị tham gia bán hàng trên internet giúp tạo được việc làm, thu nhập người dân, giúp quảng bá hàng nông sản đặc sản của địa phương đến với người tiêu dùng. Cách làm của phụ nữ xã Đường 10 trước hết là mua các gói dịch vụ bán hàng của mạng xã hội Facebook, sau đó livestream giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản của địa phương. Khi các đơn hàng được chốt, người bán hàng hợp tác với các đại lý giao nhận để vận chuyển đến tận tay người tiêu dùng"- chị Nguyễn Thị Lan, xã Đường 10 tâm sự.

"Nhờ mạng, trung bình mỗi ngày, tôi nhận được 100 đơn hàng, có ngày được tới 200 đơn hàng. Đơn hàng nhỏ nhất từ 2-3kg, đơn nhiều hàng chục kg; số lượng điều bán ra từ 2-4 tạ/ ngày", chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ.

Theo Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đường 10 Vũ Thị Lê, sản phẩm hạt điều Bình Phước ngon và được bảo quản tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm, khách hàng sau khi mua một lần lại tiếp tục đặt hàng. Nhờ đó, mỗi ngày, phụ nữ xã Đường 10 trực tiếp giới thiệu và bán được cả chục tấn hạt điều. Trong xã, những người lớn tuổi không có khả năng tiếp xúc với công nghệ, không bán được hàng trên internet, sẽ làm những việc như phụ đóng gói, giao hàng. Lực lượng thanh niên có thể làm việc cho các đơn vị giao nhận hàng. Với phương thức bán hàng online này, khoảng 1 năm trở lại đây, thu nhập trung bình của phụ nữ trong xã Đường 10 giao động từ 10 - 20 triệu đồng/người/tháng. Một số chị em "có duyên" bán hàng, thu nhập mỗi tháng từ 30-40 triệu đồng.

"Cũng nhờ mô hình bán hàng đặc sản địa phương qua internet mà khoảng 1 năm nay, nhiều công ty, đại lý vận chuyển hàng hóa đã mở chi nhánh, đội giao dịch tại xã Đường 10 để vận chuyển hàng. Nếu như một năm trước, địa bàn chỉ có bưu điện và Công ty Viettel Post nhận vận chuyển, giao hàng, hiện nay có thêm 6 công ty giao hàng, vận chuyển hàng hóa mở chi nhánh tại xã Đường 10 để vận chuyển các đơn hàng nông sản bán online đến các vùng miền trên khắp cả nước", chị Vũ Thị Lê chia sẻ.

Hàng ngày, hình ảnh đội ngũ những "shipper" tấp nập xếp những thùng hàng lên xe để giao cho khách hàng trên mọi miền Tổ quốc, người dân "xã đặc biệt khó khăn" Đường 10 lại nghĩ về một tương lai gần, thoát đói nghèo, vươn lên làm giàu, cùng chung tay quảng bá những đặc sản địa phương đến với người dân cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước