Người thầy thuốc có tấm lòng vàng

Theo Hoàng Gia Bảo/báo tuthien.vn-Thứ ba, ngày 08/01/2013 10:00 GMT+7

Phòng khám từ thiện của bác sĩ Trương Thị Hội Tố (người ngồi ngoài cùng)

 Đó là một nhóm bác sĩ dù tuổi đã cao nhưng vẫn miệt mài khám chữa bệnh miễn phí cho người dân, đặc biệt là người nghèo trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Có mặt tại phòng khám ở số nhà 18 ngõ 4 phố Kim Đồng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào một buổi chiều thu, tôi bắt gặp một nhóm bác sĩ, y tá cao tuổi trong trang phục áo blu trắng đang bận rộn khám, chữa bệnh, phát thuốc. Bệnh nhân đến phòng khám đa phần là các cụ cao tuổi, các bác đã nghỉ hưu, người nghèo trên địa bàn. Ghi nhận sự tận tụy và tấm lòng nhân ái của bác sĩ Trương Thị Hội Tố, bác sĩ Lê Thanh Thước và y tá Lê Thị Sóc, nhiều bệnh nhân xúc động nói: "Các bác đúng là những vị Bồ Tát giữa đời thường”. Trong đó, bà Trương Thị Hội Tố là người đã tham gia công tác tình nguyện khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo suốt 20 năm qua (từ 1992 đến nay). Giờ đây, ở tuổi 79, bà vẫn cần mẫn với công việc đầy ý nghĩa này.

Dành thời gian ít ỏi trong ngày, bà Tố kể lại quãng đời truân chuyên của cô nữ sinh trường y năm nào. Duyên phận không ở lại với bà khi lần lượt cả hai người chồng đều hy sinh trên chiến trường. Đau đớn khôn nguôi, nhưng nhìn ba con thơ dại bà lại gắng gượng sống để nuôi các con lớn khôn. Lúc ấy bà đã tốt nghiệp chuyên khoa Sản, Đại học Y Hà Nội. Bà về làm giáo viên trường Cao đẳng Y tế Nam Định. Đồng lương ít ỏi nên bà Tố phải tần tảo trồng rau, nuôi lợn, đan len… để trang trải cho các con ăn học.

"May là các con đều ngoan ngoãn và học rất giỏi, đó là động lực để tôi vượt qua những năm tháng khó khăn ấy” – bà Tố kể lại. Trải qua nhiều nỗi đau mất mát, nhiều sóng gió cuộc đời nên bà Tố rất đồng cảm với những người nghèo, những thân phận kém may mắn. Do đó, sau khi nghỉ hưu năm 1992, bà quyết định phải làm việc gì đó cho họ. "Tiền chẳng có, tôi chỉ có thể giúp bằng chính khả năng chuyên môn của mình”- bà Tố chia sẻ. Đúng lúc ấy, quận Hai Bà Trưng tổ chức đội khám chữa bệnh lưu động cho người cao tuổi, người nghèo, cựu chiến binh, gia đình chính sách, bà nhiệt tình tham gia ngay dù lúc đó nhiều phòng khám tư mời bà làm việc với mức lương cao.

Thế là ngày ngày, bà đạp xe khắp các phường trong quận bất kể nắng gắt hay mưa gió để đi chữa bệnh. Nhưng sau một tai nạn giao thông, bà không thể đạp xe được nữa. Không nản, bà Tố chuyển sang thuê xe ôm để đến với bà con. Điều đáng nói là tiền mua thuốc cấp phát cho bệnh nhân và tiền xe ôm, bà đều tự trang trải bằng khoản trợ cấp gia đình liệt sĩ và tiền tiết kiệm của mình. Bà trở thành người quen thuộc với những người dân nghèo ở tất cả 25 phường của quận Hai Bà Trưng, những người coi bà như vị Bồ Tát đến với họ.

Cũng trong thời gian ấy, bà Tố cùng 5 người bạn đều là những cán bộ y tế đã nghỉ hưu và có tấm lòng từ thiện mở một phòng khám miễn phí ở phố Hòa Mã. Sau nhiều lần chuyển địa điểm, phòng khám của bà ở phố Kim Đồng hiện nay vốn là trụ sở cũ được UBND phường Giáp Bát cho mượn. 5 người bạn cũ, người đã khuất, người đã quá già yếu. Bà Tố đã vận động ông Lê Thanh Thước (bác sĩ bệnh viện Việt Đức và bệnh viện K đã nghỉ hưu) và bà Lê Thị Sóc (y tá bệnh viện Xanh Pôn đã nghỉ hưu) cùng tham gia.

"Mỗi ngày chúng tôi tiếp đón khoảng 20 bệnh nhân, chủ yếu là người cao tuổi, rất nhiều vị là khách quen nên dù trời có mưa bão chúng tôi vẫn có mặt, bởi biết chắc ở phòng khám vẫn có bệnh nhân đang chờ”, bác sĩ Thước cho biết.

Phòng khám mở cửa sáng thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, ngoài khám, chữa một số bệnh thông thường, các ông bà còn tư vấn sức khỏe, đây là điều rất quan trọng với người cao tuổi. Không chỉ khám bệnh, phòng khám còn cấp thuốc miễn phí cho bệnh nhân. Trước đây, để duy trì tủ thuốc, các ông bà phải chật vật quyên góp, bà Tố còn dùng tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ của mình. Nhưng nay, tiếng lành đồn xa nên có rất nhiều người ủng hộ thuốc cho phòng khám.

Bà Nguyễn Thị Điệp (75 tuổi), ở phường Giáp Bát cho biết: "Chúng tôi đến đây được các bác đón tiếp nhiệt tình, được tư vấn sức khỏe cặn kẽ. Hơn nữa, ở đây, chúng tôi được chia sẻ những tâm sự tuổi già”. Ông Nguyễn Viết Vận (75 tuổi) ở phường Thịnh Liệt đánh giá cao phòng khám bởi ngoài việc khám, chữa bệnh, tư vấn miễn phí, các ông bà còn giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên tặng quà, động viên trẻ em mồ côi, khuyết tật, các gia đình khó khăn tại địa bàn và bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện lớn. Các ông bà còn vận động các nhà hảo tâm gây quỹ ủng hộ người nghèo.

Tuy tuổi đã cao, bà Tố, ông Thước, bà Sóc vẫn hàng ngày chong đèn đọc tài liệu y học để cập nhật những kiến thức mới, các loại thuốc mới để tư vấn cho bệnh nhân, vẫn đi quyên góp tiền gây quỹ hỗ trợ những gia đình nghèo khó, hoàn cảnh..."Còn sức, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc thiện, vì đó là tâm nguyện của chúng tôi” – bà Tố tâm sự.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước