Nghị lực phi thường của cô gái khiếm thị Lê Dương Thể Hạnh

Văn Quân-Thứ năm, ngày 15/05/2014 09:27 GMT+7

Tốt nghiệp ngành tiếng Nhật (khoa Đông Phương, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM), một tương lai sáng lạn đang chờ Lê Dương Thể Hạnh. Nhưng rồi căn bệnh u não đã cướp đi của em tất cả. Và hành trình Lê Dương Thể Hạnh chiến đấu chống lại bệnh tật, vươn lên tự khẳng định mình như một câu chuyện cổ tích đẹp về nghị lực và khát vọng sống lớn lao.

Lê Dương Thể Hạnh cũng là một trong 20 gương mặt được vinh danh "Gương nghị lực phi thường" của chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt vào ngày 21/5 tới đây.

‘ Thể Hạnh bên cạnh bố mẹ ngày nhận bằng tốt nghiệp

Biến cố cuộc đời

Thể Hạnh sinh ra trong một gia đình gia giáo ở mảnh đất Lâm Đồng. Ngay từ nhỏ, em đã là một cô gái xinh xắn và học giỏi. “Năm 2003, em tốt nghiệp đại học, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và nhân văn, thành phố Hồ Chí Minh, khoa Đông Phương, ngành Nhật Bản. Sau tốt nghiệp, em được nhận về làm thông dịch viên trong một công ty của Nhật về ngành sản xuất gỗ. Cứ ngỡ rằng tương lai sẽ rộng mở nhưng nào ngờ cái ngày định mệnh ấy đã đến, đó là một buổi chiều cuối tuần bác sĩ đã phát hiện ra khối u nơi bán cầu não trái. Và từ đó, cuộc đời em rẽ sang một lối đi khác, đầy bất ngờ và em hoàn toàn bị động”.

Thể Hạnh bảo những ngày mới phát hiện ra bệnh tật, em bị sốc thực sự. Từ một cô gái hồn nhiên, hay cười nói em trở nên lặng lẽ và đôi khi, sự tuyệt vọng lên tới đỉnh điểm, đôi lần em đã nghĩ đến những suy nghĩ dại dột nhất. Để duy trì sự sống, Thể Hạnh đã phải liên tục trải qua ba lần phẫu thuật, 27 lần xạ trị với biết bao đau đớn. Lần thứ ba lên bàn mổ đã mang lại sự sống, chấm dứt những cơn đau kéo dài, nhưng cũng là lúc Thể Hạnh ngậm ngùi chia tay với ánh sáng, trở thành người khuyết tật nặng khi cả hai chân không đi lại được, hai tay yếu đến nỗi không cầm được bát đũa để ăn, một bên tai trái hoàn toàn vô cảm, chỉ còn lại thính lực không trọn vẹn của tai phải. Chưa hết, giọng nói lưu loát của một thông dịch viên ngày nào không còn nữa vì cơ miệng bị lệch hẳn sang phía phải, phát âm cũng theo đó bị biến dạng. Và dĩ nhiên, một điều không thể tránh khỏi là mọi sinh hoạt của cô đều trở nên phụ thuộc, mối tình thơ mộng gần một thập kỷ ngỡ rằng sẽ đơm hoa kết trái cũng dở dang không đoạn kết.

“Những tháng ngày đầu tiên sống với bóng tối em đã nhận ra rằng, ở đời này, cái chết là điều dễ dàng, sống được và sống tốt trong hoàn cảnh khó khăn như mình mới là điều lớn lao. Ông trời không cho ai tất cả mà cũng chẳng lấy của ai đi tất cả. Chính vì suy nghĩ ấy mà em quyết định không được đầu hàng số phận”. Thể Hạnh cũng cho biết thêm, bắt đầu là từ ba mẹ, những người thân yêu gần gũi bên em, lại thêm một lần nữa dìu em tập những bước đi đầu tiên của cô gái ba mươi tuổi. Bắt đầu từ những động tác đơn giản nhất, những bài tập nhẹ nhàng đã giúp Hạnh có thể ngồi dậy, tự cầm bát đũa để ăn, tự cầm ly để uống.

Điều bình thường ấy song lại là niềm vui khôn xiết. “Ngày bác sỹ quyết định tháo ống hỗ trợ tiêu hóa là ngày tôi vui mừng khôn xiết, điều ấy không chỉ là kết quả khả quan ngoài mong đợi, mà đó còn là bước đệm đầu tiên thêm niềm tin suốt quá trình luyện tập”.

‘ Chưa bao giờ em đầu hàng số phận

Khát vọng vươn lên

Đối diện với hoàn cảnh khó khăn của bản thân, Thể Hạnh bảo, ngoài sự cố gắng và quyết tâm của bản thân, em sẽ khó có thể vượt qua nếu không được sự dìu dắt và nâng đõ của ba mẹ. Cứ mỗi buổi chiều, ba lại đưa cô đến sân trường tiểu học gần nhà để luyện tập. Những âm thanh thân thương năm nào trở lại, lời cô giáo giảng cùng tiếng đánh vần lảnh lót của các em dường như làm cuộc sống vui hơn và rồi cô lập bập đọc theo lũ trẻ. Cứ như vậy, Hạnh nói mỗi lúc một rõ và phần nào thuận lợi hơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngày tháng trôi qua, mọi sự cố gắng đều mang lại kết quả tốt, cô gái liệt cả hai chân, có thể tự đứng lên và vịn tường để di chuyển. Cùng đồng hành với người cha già trong mỗi buổi chiều trong sân trường tiểu học, cô chập chững bước đi giữa đời. Nhưng người cha đang mang bệnh hở van tim, mỗi ngày một già yếu không thể dìu dắt con gái đi tiếp quãng đường đầy chông gai phía trước. Hạnh vẫn đều đặn mỗi ngày luyện tập với nghị lực phi thường.

“Mọi người vẫn bảo, “có công mài sắt, có ngày nên kim”, phải không anh? Sau một thời gian dài luyện tập, em đã có thể nói chuyện điện thoại và gửi mail cho anh “chuẩn” như thế này đấy”- Thể Hạnh cười nói với tôi như vậy với một giọng đầy lạc quan.

Cô cũng cho biết thêm, gần một năm nay, cô đã tham gia vào Hội Người mù tỉnh Lâm Đồng, và chính môi trường này là nguồn động lực để làm những việc còn dở dang. Ở môi trường này, cô nhận ra nhiều số phận kém may mắn hơn mình và bản thân tự nhủ sẽ vận dụng kiến thức đã dày công khổ luyện truyền đạt lại cho các em khiếm thính. Để rút ngắn khoảng cách đến với ước mơ, Hạnh đã tập trung học vi tính. Đến đây cô lại gặp trở ngại khác, đó là cái khó lớn nhất là người mù sử dụng máy tính chủ yếu dựa vào tai và tay, nhưng cả thính giác và xúc giác của Hạnh đều không trọn vẹn làm cho vấn đề đã khó lại càng thêm khó.

Hạnh từng bước làm quen với môi trường mới và tiếp cận “công việc” mới. Đó là dạy tiếng Anh cho người Việt và dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thông qua mạng internet. “Công việc” đó chỉ thuần túy mang tính tinh thần, hoàn toàn không có thu nhập. Lớp học khá đặc biệt, cả cô, cả trò, kẻ trong Nam, người ngoài Bắc, thậm chí tận nước Mỹ xa xôi; đều là người khiếm thị; trao nhau hơi ấm của tình người và sự đồng cảm giữa những mảnh đời bất hạnh.

Hiện tại, Hạnh đã được những người bạn đồng tật trân trọng gọi hai tiếng cô giáo, Hội Người mù đã trở thành nơi sinh hoạt thân quen. Điều mọi người khâm phục cô hơn khi mỗi ngày Hạnh dành hơn 5 giờ để tập luyện các bài tập về vận động, để duy trì cải thiện sức khỏe. Suốt cuộc nói chuyện, Hạnh không ngừng kể về những thân phận, những em bé trong Hội Người mù – nơi cô sinh hoạt. Thể Hạnh mong rằng, sẽ có nhiều tổ chức cá nhân giúp đỡ các em để các em giảm bớt đi những gánh nặng, tự vươn lên và xây dựng được tương lai tươi sáng cho chính mình.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước