Vọng Văn Phóng (SN 2003, trú bản Na Chảo, xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) nhăn nhó kêu đau. Cậu lấy cái chăn mỏng, trùm kín người trên giường bệnh được kê ở hành lang khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
"Từ chiều qua, Phóng bị sốt, kêu mệt. Tôi lo lắm", chị La Thị Thuận – cô ruột của Phóng cho biết.
Phóng là con thứ 2 trong một gia đình có 4 anh em. Năm 2014, mẹ Phóng bỏ đi, biệt tích đến giờ chẳng có một chút thông tin gì. Lúc đó, đứa em út của Phóng chưa đầy 5 tuổi. Người anh trai lớn đi làm đâu mãi Quảng Nam, Quảng Ngãi, thỉnh thoảng mới về. Phóng chỉ nghe mang máng là anh đi làm thuê cho một bãi vàng thôi, còn thực hư thế nào cũng không rõ lắm.
Anh trai đi làm xa, hai em còn nhỏ, chỉ có người cô ruột ở cạnh Phóng lúc em điều trị tại bệnh viện
Ba anh em Phóng ở với bố. Hồi tháng 6/2016, không thấy bố đánh thức anh em Phóng dậy như thường lệ. Phóng vào kêu thì phát hiện bố đã chết tự lúc nào. Từ đó, 3 anh em Phóng được vợ chồng người cô ruột cưu mang, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo.
Vừa rồi Phóng kêu đau bụng, đái buốt, mặt và người cứ phù lên. Tưởng cháu mắc bệnh quai bị nên sưng cổ, chị Thuận đi cắt thuốc thầy lang cho cháu uống. Càng uống, bệnh tình càng không đỡ. Mặt Phóng sưng phù, đi đái ra máu, bụng đau dữ dội, khó thở.
Lá thư xin hỗ trợ của cậu học trò người Thái nghèo. Đối với em thì mẹ đã chết, em được người thân, thầy cô, bạn bè cưu mang
"Đêm hôm đó, vợ chồng tôi tức tốc đưa cháu lên bệnh viện huyện. Họ bảo bệnh cháu nặng lắm, bệnh viện huyện không chữa được. Phóng kêu đau, cứ bảo "cháu đi với bố đây". Thương cháu đứt từng khúc ruột, hai vợ chồng vay mượn, kêu các con góp tiền để bắt xe đi bệnh viện tỉnh cứu cháu", chị Thuận vẫn chưa thôi thổn thức.
Bác sĩ Nguyễn Văn Nam – Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay: "Bệnh nhân Vọng Văn Phóng nhập viện trong tình trạng phù, đái máu, cao huyết áp do viêm cầu thận. Xét nghiệm cho thấy lượng ure cao gấp 3 lần bình thường và trên quan điểm phải điều trị suy thận mãn để đưa lượng ure về ngưỡng cho phép.
Xác nhận của UBND xã Hữu Kiệm về hoàn cảnh của em Vọng Văn Phóng
Sau quá trình điều trị, hiện tại bệnh nhân đã tương đối ổn định, tuy nhiên vẫn phải tiếp tục theo dõi và tái khám theo định kỳ để tránh xảy ra biến chứng do tái phát nhưng không được điều trị".
Chồng ở nhà chăm sóc vườn tược, lo cho hai đứa cháu nhỏ cơm nước, học hành. Các con đi làm xa, chị Thuận một mình chăm nom cháu ở viện. Tiền bạc mang theo cạn kiệt lại gọi điện bảo các con hỗ trợ mỗi đứa một ít "để cứu em". Chị Thuận bảo, chắc mai mốt cũng bán nốt mấy con lợn đen để dành Tết mà lấy tiền viện phí, thuốc thang cho cháu.
"Phóng đau quá, bảo "cháu đi với bố đây", chị Thuận, cô của Phóng kể
Hỏi ước mơ của Phóng là gì, cậu im lặng. Có lẽ, trong cái gia cảnh cơ cực như vậy, ước mơ là cái gì đó thật xa xỉ, bởi với 1 đứa trẻ đang tuổi lớn như Phóng chỉ cần ngày cắp sách tới trường, ăn đủ 3 bữa cơm, có bộ quần áo lành lặn để mặc là đã tốt lắm rồi.
Hơn 1 năm nay, anh em Phóng sống nhờ vợ chồng người cô, giờ Phóng lại bị bệnh, gánh nặng gia đình cô lại tăng lên. Phóng nghe bác sĩ bảo bệnh nặng lắm… Phóng lo lắm. Lo thôi, Phóng còn nhỏ, Phóng không còn cha để nương tựa. Phóng không có mẹ để nũng nịu. Cô thương Phóng thật đó nhưng cô nuôi 4 đứa con khôn lớn, giờ nuôi anh em Phóng, Phóng đâu dám đòi hỏi, nũng nịu gì.
Căn bệnh của Phóng hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng em sẽ phải tái khám theo định kỳ để không có biến chứng xảy ra
Vọng Văn Phóng kêu lạnh, trùm cái chăn mỏng kín mít cả đầu. Ngoài trời những cơn gió Đông thổi lạnh buốt nhưng trong hành lang sâu hun hút của bệnh viện, tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn thở dài, tiếng thút thít thương đứa cháu tội nghiệp của cô Thuận cứ khiến không khí như "tức" lại, ngột ngạt đến khó thở.
"Bác sĩ nói bệnh tình đỡ sẽ cho Phóng về nhà, hàng tháng xuống tái khám, lấy thuốc điều trị. Nếu không kiểm tra thường xuyên, nhỡ bệnh nặng, dẫn đến suy thận mãn tính thì đời cháu sẽ khổ lắm. Mà từ nhà xuống bệnh viện có phải ngắn lắm đâu, ngót nghét hai trăm cây số, rồi tiền xe đi lại, tiền thuốc men, bồi dưỡng nữa…", đôi mắt chị Thuận đỏ hoe.