Nghe bác sĩ gọi, người phụ nữ với cơ thể gầy trơ xương bước ra từ khoa Sơ sinh, bệnh viện Nhi Đồng 2. Hai hốc mắt thâm quầng, sâu hoắm của chị còn ngấn lệ. Chị là Nguyễn Thị Cà Nâu (26 tuổi) mẹ bệnh nhi mới sinh được hai tuần tuổi bị tim bẩm sinh đang nằm điều trị tại khoa. Những lời tâm sự mặn chát về cuộc sống thống khổ, cơ cực của chị khiến các bác sĩ cũng sụt sùi xót xa.
Những mảnh đời rách nát “đùm” lẫn nhau
Sinh ra ở vùng quê nghèo thuộc tỉnh Sóc Trăng, gia đình không có nổi mảnh đất cắm dùi, bữa ăn qua ngày chỉ trông chờ vào công việc làm mướn. Cũng như anh chị em của mình, Cà Nâu chưa một lần được cắp sách tới trường nên một chữ bẻ làm đôi chị chẳng đọc được ngoài khả năng nguệch ngoạc mỗi cái tên của mình.
Năm Cà Nâu 19 tuổi, người đàn ông bị cụt một chân ngụ cùng xã đi bán vé số nhiều lần qua nhà, để ý thấy chị chịu thương chịu khó lại lễ phép nên ngỏ lời muốn xin Nâu về làm con dâu. “Em cứ tưởng người lớn nói đùa cho vui nhưng ít ngày sau, cha chồng em bây giờ mang trầu rượu sang đặt lễ. Lúc đó, em nào đã biết mặt chồng mình đẹp xấu thế nào, nhưng mẹ cha đồng ý gả nên em cũng gật đầu ưng thuận sau đó hai đứa mới gặp nhau".
Quãng thời gian ngắn ngủi gần một tháng trước ngày cưới cũng đủ để chị đồng cảm với người con trai cùng cảnh ngộ. Nhớ lại mối duyên chồng vợ với anh Quách Văn Bình (31 tuổi), giọng trầm buồn của chị Nâu bỗng trở nên rộn ràng: “Chồng em cũng chẳng được đi học, gia đình thì có tới 8 anh chị em nên phải chạy ăn từng bữa. Khi về sống với nhau em cảm thấy mình may mắn, dù không quen biết trước nhưng anh ấy là người siêng năng, không thuốc lá rượu chè như người khác và sống rất tình cảm".
Song niềm vui của chị vừa lóe lên thì lại bị những câu chuyện buồn vùi dập. Sau khi vợ chồng chị sinh bé gái đầu lòng vào năm 2011, cuộc sống ở quê nhà quá khó khăn, công việc làm mướn theo mùa vụ không đủ ăn, căn nhà lá xiêu vẹo của cha mẹ bị sập nhưng không có điều kiện dựng lại. Chị Nâu cùng chồng và bố mẹ đẻ phải dắt díu nhau lên Đồng Nai kiếm kế sinh nhai. Dù không biết chữ nhưng cả hai may mắn được nhận vào làm cho một công ty gỗ.
"Nếu chồng và con mà chết làm sao em sống được"
Những tưởng, với bản tính siêng năng cần cù vốn có, bằng công việc ổn định, một cuộc sống mới tươi đẹp hơn đang chờ đón họ nhưng bệnh tật đã vùi cả gia đình nhỏ xuống bùn đen đất đỏ. Từ một người chí thú làm ăn, không chừa bất kỳ công việc nặng nhẹ nào, sau nửa năm lên Đồng Nai, anh Bình bắt đầu bị những cơn đau tức ngực, khó thở hành hạ. “Em cắn răng chịu đựng, không nói với vợ vì sợ cô ấy lo. Nhưng trong một buổi làm việc em bị xỉu ở công ty, khi đi khám, bác sĩ báo em bị bệnh tim nặng. Không đủ sức làm việc nên em bị công ty sa thải” - anh Bình nghẹn ngào.
Sau khi mất việc, dù sức khỏe xuống dốc nhưng anh vẫn cố gắng đi làm phụ hồ. Tuy nhiên, hơn một năm nay dù đã chạy chữa hết thuốc nam đến thuốc bắc nhưng bệnh mỗi ngày một nặng, chỉ ngồi thở cũng mệt, anh Bình buộc lòng phải quanh quẩn ở phòng trọ phụ vợ giặt giũ, cơm nước và đưa đón đứa con gái đi học. Mọi gánh nặng trong gia đình từ đó dồn cả lên đôi vai gầy của người vợ.
Để có tiền cho con đến lớp, lo thuốc thang cho chồng, tiền phòng trọ và nuôi cả ba miệng ăn, chị Cà Nâu phải quần quật làm việc không kể ngày đêm. Hết 8 giờ làm chính, chị lại tiếp tục tăng ca, nhiều năm nay chị chưa một lần biết đến ngày nghỉ chủ nhật. Đầu tắt mặt tối, đi làm từ lúc con chưa thức giấc đến khi bé đã chìm sâu trong giấc ngủ vẫn chưa được về, nhưng khoản thu nhập hơn 5 triệu đồng có được mỗi tháng dù đã “giật gấu vá vai” cũng không đủ để trang trải mọi chi tiêu.
Trong lúc vợ chồng phải tằn tiện từng đồng thì chị Nâu bị vỡ kế hoạch, mang thai lần thứ hai. Bụng mang dạ chửa vượt mặt nhưng chị vẫn vùi mình, vắt kiệt sức trong công ty cho đến những giờ cuối cùng trước lúc sinh nở. “Hôm đó là ngày 26/3, chồng em mới bị ngất xỉu phải chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu được một ngày. Đang làm việc buổi chiều, em thấy bồn chồn, bụng lâm râm đau nên xin nghỉ tăng ca để về. Lúc 10h tối thì em chuyển dạ rồi sinh thằng bé tại bệnh viện Thánh Tâm”.
Hai ngày sau khi chào đời với cân nặng 2,6kg, cậu bé bỏ bú, khóc lặng, cơ thể tím tái nên được chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 2 cấp cứu. Trao đổi với phóng viên, BS Nguyễn Lâm Hoài Phương, khoa Sơ sinh cho hay: “Cháu bị bệnh lý không có lỗ van động mạch phổi, thông liên thất, toàn thân tím nặng. Để giúp bé vượt qua cơn nguy kịch, chúng tôi đã đặt Stent ống động mạch, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện bé đang trong tình trạng nhiễm trùng sơ sinh".
Dự kiến, thời gian tới cháu còn phải trải qua nhiều lần thay Stent khác cho phù hợp với sự phát triển của cơ thể. Dù bé có bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi nhưng mỗi lần thay Stent chi phí cũng tốn ít nhất 15 triệu đồng cho những khoản ngoài danh mục bảo hiểm. Khi bé đạt cân nặng khoảng 10kg, cuộc phẫu thuật can thiệp sẽ được thực hiện, gia đình cân phải chuẩn bị sẵn hàng chục triệu đồng nữa. Bác sĩ Phương cho biết, đây là ca bệnh khó nên trước mắt bé cần được chăm sóc tốt về dinh dưỡng, do bệnh lý phức tạp nên cuộc mổ hở cho bé dự liệu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khoản nợ viện phí 16 triệu đồng của con vẫn chưa thanh toán được thì tại bệnh viện Chợ Rẫy, người cha đang lâm vào cảnh nguy nan. BS Phạm Thị Thanh Tùng, khoa Hồi sức Phẫu thuật tim cho hay: “Bệnh nhân Bình bị hở van hai lá nặng, kèm hẹp van hai lá, tăng áp phổi. Do không được can thiệp sớm nên người bệnh đã bị suy tim độ II, nếu chậm trễ phẫu thuật, tình trạng suy tim sẽ nặng thêm dẫn đến rối loạn nhịp, nguy cơ tử vong cao. Dự kiến, chi phí phẫu thuật cho bệnh nhân sau khi trừ bảo hiểm diện cận nghèo sẽ tốn khoảng 70 triệu đồng".
Từ ngày vợ sinh nở, anh Bình chưa một lần được nhìn mặt con. Khi hay tin con cũng là lúc anh bị bệnh nặng. Anh ngậm ngùi giấu nỗi nghẹn ngào: “Nếu có được một cơ hội cho cả hai cha con, em chấp nhận chết để thằng bé được sống”. Nhưng đau khổ hơn cả là người vợ trẻ: “Em đã cố gắng làm tất cả những gì có thể cho chồng con, nhưng giờ em sắp mất đi cả hai người mà em yêu thương nhất. Nếu chồng con chết, làm sao em sống được".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!