Trong căn nhà tuềnh toàng được người chị ruột cất cho mấy năm trước, anh Nguyễn Văn Lớt, SN 1981 (ngụ tại ấp An Quý, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) thở ngắn, thở dài vì hôm nay không ai thuê mướn. Ngồi bên chiếc võng, chị Đặng Thị Trúc Phương, vợ anh Lớt cũng thở nhọc không kém vì căn bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối và xơ gan hành hạ nhiều năm liền. Ngày hè, hai con gái Nguyễn Thị Quỳnh Hương, SN 2003 và Nguyễn Thị Quỳnh Nhi, SN 2008 cặm cụi bóc vỏ từng hạt điều mong kiếm mỗi ngày hơn 10.000 đồng phụ cha lo tiền thuốc thang cho mẹ.
Anh Lớt kể: “Hai vợ chồng tôi lấy nhau năm 2001, đến năm 2003 thì sinh con gái đầu lòng. Tuy vậy, do gia đình hai bên đều nghèo nên cha mẹ chỉ cho 1 công đất (khoảng 1.000m2) để lập nghiệp. Nghèo túng nên căn nhà nhỏ cũng được người chị ruột dành dụm cất cho giờ cũng đã rách nát”.
Năm 2011, tai họa bắt đầu ập xuống gia đình khốn khó này khi chị Phương bị sốt, tăng huyết áp, phù mình chuyển từ bệnh viện địa phương lên đến bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), bác sĩ kết luận chị bị suy thận mãn giai đọan cuối. Anh Lớt phải bán luôn 1 công đất duy nhất của gia đình và vay mượn khắp nơi để có tiền chạy chữa cho vợ.
Sau mấy tháng điều trị, chị Phương về nhà uống thuốc cầm cự, mỗi tuần 3 lần đều phải lên bệnh viện trung tâm tỉnh để lọc thận. Suốt gần 4 năm liền chạy thận, gia đình càng thêm túng quẫn hơn, nợ nần nhiều hơn. Hai con của chị từ lúc học cấp 1 phải tự chăm sóc, lo quét dọn, nấu ăn và chăm sóc mẹ. Giờ bệnh của chị Phương ngày càng trở nặng khi bụng phình to và mang thêm bệnh xơ gan nên ngày càng tiều tụy.
Từ ngày vợ bệnh, anh Lớt vừa đi làm thuê, làm mướn rồi lại tất tả quay về chăm sóc vợ. Mới ngoài 30 tuổi mà trông anh Lớt như một cụ ông vì tất bật lo chèo chống gia đình trong cơn hoạn nạn của nghèo túng, bệnh tật. Chẳng nề hà bất cứ công việc gì, từ kéo lưới thu hoạch tôm, gánh lúa, phụ hồ đến cuốc đất, hễ ai thuê ngày nào là anh mừng ngày nấy vì kiếm được ít tiền lo cho vợ. Quanh năm suốt tháng làm lụng, khi mạng bệnh trong người anh Lớt phải ráng chịu đau vì ngã xuống sẽ không còn ai lo cho vợ, con. Mấy tháng trước đau quá, anh lấy thẻ bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo ra Bệnh viện huyện Ba Tri khám thì bác sĩ phát hiện bệnh thoát vị bẹn và chỉ định mổ. Tuy nhiên, nghĩ đến cảnh nhà đang túng thiếu, nợ nần nên anh tiếp tục chịu đau.
Hôm chúng tôi cùng chính quyền, đoàn thể ở địa phương đến thăm, một mạnh thường quân đến trước đã mang tặng 5kg gạo để giúp đỡ gia đình. Bà con, làng xóm xung quanh ai cũng nghèo nên chỉ giúp đỡ gạo, mắm muối cho gia đình chứ không biết làm gì hơn. Ông Đặng Văn To, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã An Hòa Tây cho biết: “Gia đình ông Lớt nhiều năm liền sống trong cảnh khốn khổ vì vợ mang bệnh hiểm nghèo, nhà lại không có đất nên chỉ làm thuê, làm mướn kiếm sống. Hội đã vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân giúp đỡ nhưng do bệnh kéo dài suốt mấy năm liền giờ xóm giềng cũng chẳng còn tiền để giúp. Hiện địa phương cũng ưu tiên cho gia đình nhận những phần quà, thực phẩm trong dịp có đoàn từ thiện về hay mỗi dịp lễ Tết nhưng cũng chẳng được bao nhiêu”.
Mười mấy năm trước, khi đã về nhà chồng, chị Phương gạt nước mắt tiễn mẹ về nơi chín suối bởi bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối. Giờ cũng mang bệnh như mẹ, chị biết mình không sống được bao lâu nhưng nhìn lại 2 con còn quá nhỏ, nước mắt chị lại tuôn trào. Mỗi tháng kiếm hơn 1 triệu đồng tiền chạy thận mà gia đình đã phải vay khắp nơi nên chị chỉ ao ước có tiền điều trị bệnh để ráng sống, lo cho 2 con nhỏ trưởng thành.
Từ một học sinh giỏi nhiều năm liền, vừa qua bé Quỳnh Hương bị rớt xuống chỉ còn học sinh tiên tiến do suốt ngày tất bật làm việc nhà, phụ chăm sóc mẹ. Nhiều người ái ngại, sắp tới bé có được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa hay không khi cha mẹ đều bệnh và nhà quá túng quẫn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!