Gặp người anh hùng nơi thượng nguồn sông Mã

Theo Báo Thanh Hóa-Thứ hai, ngày 04/02/2013 12:00 GMT+7

Anh hùng Lao động Hà Văn Dân.

 Từ lâu, sông Mã vốn được coi là dòng sông hung dữ bậc nhất miền Trung. Trên phía thượng nguồn, nước chảy siết với vô số thác ghềnh... Thế nhưng, trong kháng chiến chống Mỹ, Anh hùng Lao động Hà Văn Dân đã không quản hiểm nguy, chở thành công hàng trăm chuyến hàng phục vụ cho cách mạng.

Trong cái lạnh se sắt cuối đông, tôi ngược miền rừng Quan Hóa để tìm gặp người anh hùng mà lâu nay chưa được nhiều người biết đến, đó là thương binh hạng 3/4 ở khu 6, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa - ông Hà Văn Dân.

Trong căn nhà cấp 4 ngăn nắp, ông Hà Văn Dân tiếp tôi với phong thái và sự chân thành của một người miền núi. Ở tuổi 66, không có hình dáng săn chắc, vững chãi, chém sóng trải gió như tưởng tượng của tôi về người dân miền núi làm nghề sông nước, nhưng bên trong người đàn ông này luôn toát lên một tinh thần lạc quan, yêu đời cùng sự nhanh nhẹn, hoạt bát.

Qua câu chuyện, tôi được biết, từ lúc lên 5 tuổi, ông Dân đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông không biết mặt cha, và ấn tượng về mẹ đến nay cũng không còn rõ nét lắm. Hồi đó, cậu bé Hà Văn Dân lớn lên trong hoàn cảnh khổ cực “Thứ nhất là mồ côi cha, thứ hai thổ mộc, thứ ba sơn tràng”... Được ông ngoại cưu mang những năm đầu, rồi sau tự làm thuê cuốc mướn, chăn trâu, chăn bò, đi rừng đốt than, đến năm 17 tuổi, người thanh niên dân tộc Thái Hà Văn Dân vẫn lang thang bữa đói bữa no, quanh năm chỉ có độc một bộ quần áo mặc trên người. Nhưng bù lại, ai cũng thương quý ông vì tính nết hiền lành, chịu thương chịu khó, nên bảo việc cho làm, rồi cho khoai sắn để sống qua ngày.

Trong những ngày tăm tối, cơ cực ấy, “ánh sáng” rọi tới cuộc đời ông. “Đó là vào ngày 12-10-1964, khi tôi đem dây song bện đến bán cho cán bộ lâm nghiệp, các anh ấy lại bảo vào bếp lấy cơm ăn. Rồi đồng chí lãnh đạo thấy thương, bảo: Dân ơi, thôi mày là đứa hiền lành, chịu khó, ở lại đây đi làm cùng anh em thợ thuyền, học việc mà làm, lấy cơm mà ăn. Thế là tôi ở lại cùng mọi người làm công nhân Công ty Lâm nghiệp Quan Hóa. Tôi phải học cách buộc dây, xoắn lạt, kết bè, chèo thuyền, chống mảng suốt một năm trời mới chính thức được đi bè vận tải dọc sông Mã” – ông Dân tâm sự.

Thời điểm ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang trong giai đoạn gian khổ, ác liệt. Luồng, gỗ từ miền tây Thanh Hóa được đưa ra chiến trường để làm công sự, hầm, lán cho bộ đội, đặc biệt là làm cầu phao dã chiến bắc qua các con đường chiến lược, như: cầu Hàm Rồng, Ghép, Mục Sơn, Lèn... Có thể nói, mỗi cây luồng, thân gỗ là một “viên đạn” của hậu phương gửi ra chiến trường, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Đơn vị vận tải của ông Hà Văn Dân chịu trách nhiệm thu gom luồng gỗ từ khắp thượng nguồn sông Lò, sông Luồng, sông Mã, tập kết về bến Hồi Xuân (Quan Hóa), rồi vận chuyển xuống Cửa Hà (huyện Cẩm Thủy). Đây là hành trình đường thủy cực kỳ gian nan và hiểm trở khôn cùng, sơ sẩy một chút là lật bè, vỡ bè, mất mát tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Sông Mã vốn khét tiếng là dòng sông hung dữ, bất kham. Sự hung hãn ấy bộc lộ rõ ở cung đường từ Quan Hóa đến Cẩm Thủy. Nhiều đoạn, hai bên bờ vách đá dựng đứng, nước réo sôi gầm rú, sóng tung bọt trắng xóa. Sông Mã đoạn này nổi tiếng với những địa danh hiểm nguy, như: vực Tôm, vực Ngốc Cùng, ghềnh Suội, ghềnh Cả, ghềnh Long... Hò sông Mã có câu: “Nhất Chiếng, nhì Cả, ba Long/ Lòng còn ái ngại Ngốc Cùng mà thôi”. Suốt đoạn sông này chỉ thấy bến đò ngang và hầu như chỉ thấy bè mảng xuôi dòng chứ hiếm khi vượt ngược. Dân thuyền bè một đời ăn theo sông nước của sông Mã không phải ai cũng chinh phục được con đường sông này. Đặc biệt, vào mùa lũ thì sông Mã dường như không thể khuất phục.

Dòng sông Mã hiểm nguy là vậy, song ông Hà Văn Dân cùng những đồng đội đã hàng trăm lần chinh phục sông Mã. Với những chuyến bè gỗ (thường từ 11 – 12 khối), bè luồng (chừng 5 – 6 trăm cây), họ vận chuyển trên sông suốt bốn mùa. Việc vận chuyển bè gỗ, luồng hoàn toàn dùng sức mạnh cơ bắp và kinh nghiệm chứ không phải hàng chục người một bè và một loạt máy “đuôi tôm” hỗ trợ như bây giờ. Từ những chuyến đi sinh tử, ông Dân đã rút ra được kinh nghiệm ứng phó đối với mỗi ghềnh thác, vực sâu. Ký ức và kinh nghiệm qua những thác ghềnh hiểm trở trên sông Mã như đã ngấm vào máu, ghi vào tâm can của ông. Đã buông tay chèo hơn 1/3 thế kỷ, nhưng ông Dân vẫn kể vanh vách về những ghềnh thác: qua Chiếng, có 3 dòng xoáy, dưới có nhiều hòn đá to nên phải đi bên phải. Qua ghềnh Long thì phải đi bên trái nếu không sẽ bị hất vào vách đá đoạn khúc khuỷu ngay bên dưới... Nếu đi không đúng luồng, cả người và bè đều bị đập tan tành. Khi thắng được thiên nhiên rồi thì vẫn còn lũ “giặc trời” của Mỹ. “Giặc Mỹ bắn phá rất ác liệt, không thể đi ban ngày, chúng tôi toàn phải vận chuyển vào ban đêm” - ông Dân kể lại.

Ấn tượng nhất đối với ông Hà Văn Dân là vào một chiều mưa lũ năm 1965. Đang ngồi co ro trong lán, bỗng nghe tiếng nước ầm ầm, rồi một bè gỗ 12 khối đứt dây chằng, rùng rùng trôi ra giữa dòng sông Mã. “Tôi gào lên: “Bè trôi rồi, cứu bè ngay, rồi cùng anh Dụng chạy ào ra bờ sông. Hai anh em bơi miết theo, nhảy bám lên bè, nhưng bè đã mất trụ chèo, không có điểm tựa để chèo lái được. Giữa cơn lũ lớn, nước to bè nặng, lại không có trụ chèo, loay hoay mãi không làm sao đưa được vào bờ. Nếu để nước cuốn xuôi xuống ghềnh Chiếng thì tan tành ngay. Lúc ấy tôi chỉ kịp nghĩ, dù mình có chết cũng phải cứu bè, vì đây là tài sản của Nhà nước, của nhân dân. Do vậy, tôi ào xuống dòng nước lũ lạnh buốt, ghì bám chặt vào đầu bè. Tôi làm trụ, còn anh Dụng lấy chèo, tỳ lên vai và cổ phía bên phải của tôi, vật lộn hàng tiếng đồng hồ mới chèo được 12 khối gỗ vào bờ. Mặc dù cổ đang đau đớn tê dại, nhưng tôi vẫn giục anh Dụng quay lại đơn vị để gọi người lại cứu, còn mình tiếp tục ngâm mình dưới nước lạnh, cố không để bè bị nước cuốn đi một lần nữa. Anh Dụng lên bờ quay về, trên đường lại bị lũ ngăn mất lối. Thế là cả hai cùng chịu đói rét hai ngày đêm mới liên lạc được với đơn vị, đưa người đến cứu. Sau này, có anh phóng viên đã đưa chuyện này lên báo, Bác Hồ rất khen ngợi, tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh cho tôi vì đã dũng cảm cứu tài sản Nhà nước” - ông Hà Văn Dân vừa bồi hồi kể, vừa đem chiếc huy hiệu Bác Hồ gửi tặng ra khoe với tôi.

Chừng sau đó một năm, vào ngày 12-10-1966, Hà Văn Dân lại có thêm một thành tích nữa. Hôm ấy, do vận chuyển ban ngày nên đoàn bè bị máy bay địch phát hiện. Chúng đuổi theo thả bom nên anh em trong đoàn vội vàng nằm rạp xuống tránh. “Bom bay trên đầu, rồi chúng làm tan đầu bè của tôi. Mọi người đều nhào xuống nước bơi vào, nhưng tôi không thể bỏ bè, tiếp tục đứng chèo chiếc bè của mình vào bờ, rồi ném chiếc cày xuống nước neo lại. Nhìn các mảnh bè bị bom bắn tan, xót ruột quá, tôi lại bơi ra kéo chụm chúng lại với nhau, rồi kéo vào. Lần thứ ba, tôi đang ra cứu chiếc bè cuối cùng thì ầm một cái, mắt hoa lên, tai ù đặc, người tôi bay tung lên vào giữa bụi nứa ven đường, văng xuống đất. Người ngợm đau nhừ, đất bùn đầy mặt, tôi vừa ôm tay xoa mặt thì thấy máu tuôn ra xối xả, vội chụm tay bịt lại, gượng bò ra bờ sông xem có còn thấy bè không. Thấy còn cả, tôi mới ôm mặt, nằm yên cho đỡ đau. Khi máy bay địch bỏ đi, anh em tìm ra bãi sông, thấy tôi nằm bất động tưởng đã chết. May mà tôi chỉ bị vỡ hàm, gãy cổ và mất 12 cái răng!” – vừa đưa mảnh đạn “kỷ niệm” cho tôi xem, ông vừa chỉ vào vết thương vẫn còn hiện hữu trên mặt.

Sau 6 tháng nằm dưỡng thương, chỉ có thể húp cháo, người thanh niên 19 tuổi ấy trở lại đơn vị. Anh em đề nghị chuyển sang làm công việc hành chính nhẹ nhàng hơn, nhưng ông Dân nhất quyết không chịu, lại tiếp tục đi bè và có nhiều sáng kiến nhằm hợp lý hóa sản xuất, an toàn cho các chuyến đi, quản lý sản xuất. Nhiều lần xung phong đi bộ đội để được trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường nhưng chưa lần nào Hà Văn Dân được toại nguyện, ông ở lại địa phương, tiếp tục hăng hái tham gia trên trận tuyến thầm lặng mà không kém phần khốc liệt: chinh phục dòng sông Mã. Với nhiều chiến công, tháng 12-1973, Hà Văn Dân được Chủ tịch Tôn Đức Thắng ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, vào sổ vàng số 87 SV. Năm 1978, ông vinh dự được thay mặt hàng triệu thanh niên Việt Nam tham dự Festival Thanh niên Quốc tế tổ chức tại Cu Ba. Liên tiếp bốn khóa Quốc hội, từ khóa IV đến khóa VII, ông vinh dự được bầu làm đại biểu Quốc hội. Ông cũng từng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong một thời gian dài...

Giờ đây, ông đã nghỉ hưu, sống giản dị, thanh bạch tại một căn nhà nhỏ. Niềm vui lớn nhất của cả đời ông là được cống hiến cho cách mạng, được Bác Hồ tặng huy hiệu khen ngợi. Hiện cả 3 người con của ông đều đã học đại học và có việc làm ổn định. Trong cuộc nói chuyện với tôi, ông Dân vẫn đau đáu một ước mong: Nhà nước ta ngày một giàu mạnh, người dân không còn ai phải đói khổ...

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước