Dành trọn trái tim nhân ái cho trẻ khiếm thị

Theo asvho.org.vn-Thứ bảy, ngày 05/01/2013 07:00 GMT+7

Niềm vui của chị Hà khi được ở bên “các con”

 Lần đầu nhìn những đứa trẻ non nớt nhưng đôi mắt không còn thị lực, đôi bàn tay cố sờ sẫm từng thứ đồ vật, chị Cù Thị Lan Hà đã không kìm nén được xúc động.

Từ một cô giáo dạy nghề cơ khí, chị Hà quyết định chuyển sang làm giáo viên nuôi dạy trẻ khuyết tật. Với trọng trách Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh, 12 năm qua, chị Hà đã dành trọn trái tim, tình yêu thương cho trẻ khuyết tật, giúp các em có cơ hội học chữ, học nghề, hòa nhập cộng đồng.

Mối duyên với trẻ khiếm thị

ấp Long Yên, xã Long Thành, huyện Hòa Thành là địa chỉ Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh, nơi chị Cù Thị Lan Hà đang làm Giám đốc. Qua câu chuyện của chị, mới thấy mối duyên đưa chị đến với công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật thật giản đơn. Từng là giáo viên dạy nghề tại trường Trung cấp Cơ khí Việt Xô, sau một lần chứng kiến những đứa trẻ khuyết tật phải đánh vật với cuộc sống khó khăn, côi cút, chị đã quyết định chuyển sang làm giáo viên, rồi đảm nhận cương vị Giám đốc từ năm 2000. Khi còn chân ướt, chân ráo làm quen với công việc, chị Hà đã phải nỗ lực rất nhiều, chủ động học hỏi kinh nghiệm một số trường nuôi dạy trẻ khuyết tật để tìm ra phương pháp dạy học tốt nhất, giúp trẻ khiếm thị có thể tiếp cận với văn hóa, giáo dục.

Chị Hà cho biết: “Trung tâm được thành lập từ năm 2000, với tổng diện tích trên 3000m2, hiện đang nuôi dưỡng, dạy nghề cho 64 trẻ khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, điếc câm. Với 15 giáo viên, cán bộ, bảo mẫu đều có trình độ và thường xuyên tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực cán bộ trong ngành công tác xã hội, để công tác chăm sóc trẻ khuyết tật của Trung tâm đạt hiệu quả tốt nhất”.

Đã 12 năm trôi qua, tuy bận rộn với trách nhiệm nặng nề nhưng chưa ngày nào chị Hà quên đi thăm nom, vỗ về “các con”. Bởi chính chị cũng là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ, nên chị càng thấu hiểu các em cần tình yêu thương và chia sẻ đến nhường nào.

Giúp trẻ khuyết tật tiếp cận với nghề

Ngoài việc chuyên tâm, làm mọi cách tốt nhất chăm sóc, phục hồi chức năng cho những đứa con khuyết tật, chị Hà còn suy nghĩ, tìm hướng giúp trẻ khuyết tật tiếp cận với việc học nghề. Để có thể làm tốt công việc này, chị đã cùng các đồng nghiệp dốc hết tâm sức.

Thời gian đầu khi bắt tay vào công tác dạy nghề, chị Hà đã mạnh dạn bỏ tiền túi để mua nguyên liệu và trả tiền công cho các giáo viên đến dạy nghề dệt thảm, đan chiếu, làm nhang, hoa lụa, chổi chít... Được học nghề, các em đều rất hăng hái, chịu khó lắng nghe hướng dẫn và làm theo. Hiện tại nhiều em không chỉ biết làm, mà còn làm rất thành thạo, đem lại thu nhập ổn định từ 500 - 700 nghìn đồng/tháng. Chị Hà nhận thấy, các công việc trẻ khiếm thị đang làm đem lại hiệu quả chưa cao, nên chị tiếp tục đề đạt nguyện vọng với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh được mở lớp dạy nghề massage. Không chỉ giúp trẻ khuyết tật tiếp cận với nghề, chị Hà còn tổ chức các lớp học chữ Braille, tiếp cận âm nhạc như học đàn, hát…

Niềm vui lớn nhất với chị Hà hiện nay, đó là đã đào tạo nghề cho hàng trăm trẻ khiếm thị, gần 30 trẻ hòa nhập cộng đồng, một số em đang theo học cấp II, cấp III, Đại học với kết quả học tập khá giỏi. Thậm chí nhiều em có năng khiếu bẩm sinh đã mạnh dạn tham gia một số cuộc thi đàn, hát, đem về cho Trung tâm bộ sưu tập Huy chương Vàng, Bạc, Đồng lên tới con số gần 100 chiếc.

Nhìn về phía những đứa trẻ đang cần mẫn đọc sách, những đôi tay cặm cụi tập viết chữ Braille, có đứa lại truyền cho bạn kinh nghiệm làm ra những bông hoa lụa tinh tế, khiến chị Hà hạnh phúc lắm. Nhưng chị Hà không muốn dừng lại, bởi chị luôn khao khát mở rộng thêm thật nhiều lớp, xưởng học và làm nghề để giúp thật nhiều trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp cận với nghề, tự lập cuộc sống.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước