Ông Hồ Văn Thắng - người được các thành viên trong CLB 200 tấn đặt cho biệt danh “vua năng suất mía” khi niên vụ 2012-2013 năng suất mía của ông đạt đến gần 228 tấn/ha. Nhờ năng suất cao mà chỉ với 1,5 ha mía ông luôn đạt lợi nhuận hơn 100 triệu mỗi năm.
"Chúng tôi đã không ngừng học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các thành viên trong CLB và bản thân mỗi người luôn tìm tòi cách trồng mới để đạt năng suất cao", ông Thắng chia sẻ.
CLB 200 tấn được thành lập tại vùng nguyên liệu mía trọng điểm Phụng Hiệp vào năm 2006 với 45 thành viên. 200 tấn/ha là thành tích mà các thành viên trong CLB luôn duy trì từ khi thành lập đến nay. Năng suất đó cao gần gấp đôi so với những hộ không tham gia CLB tại địa phương và gấp 3 lần các địa phương khác trong cả nước.
"Chúng tôi vào CLB 200 tấn được anh em khuyến nông chỉ cho cách trồng bón phân, nên lúc nào cũng được trồng giống mới với năng suất cao", ông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm CLB 200 tấn bộc bạch.
Không ngừng sáng tạo trong thi đua sản xuất, luôn chia sẻ những tiến bộ khoa học kĩ thuật cập nhật được, các thành viên trong CLB luôn tìm ra hướng sản xuất hiệu quả nhất. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm được doanh nghiệp kí kết với mức giá ổn định... vì thế người dân rất yên tâm giữ mía đạt chữ đường cao nhất mới thu hoạch. Với cách sản xuất khoa học như thế, nên cho dù những năm gần đây người sản xuất mía gặp khó các thành viên trong CLB vẫn đảm bảo năng suất ở mức 200 tấn/ha.
"Nhờ có hợp đồng của công ty, nên chúng tôi không sợ, muốn để mía đến bao lâu cũng được", ông Phạm Văn Hỏi, thành viên CLB 200 tấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, nhờ sự quan tâm của địa phương trong việc xây dựng hệ thống đê bao khép kín và thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc thi nông dân sản xuất giỏi, đã nên tạo nên động lực thi đua sản xuất của các thành viên trong CLB. Theo dự kiến, diện tích mía của CLB 200 tấn sẽ tăng từ 80 lên 100 ha, khi hệ thống đê bao khép kín của địa phương được hoàn tất trước mùa lũ 2013.
"Hàng năm chúng tôi đều tổ chức cho các thành viên Hội nông dân thi đua sản xuất giỏi, qua thi đua đưa hiệu quả lên rất cao. Đó cũng là một hình thức thi đua yêu nước hiện nay", ông Lê Thanh Kiềm, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp khẳng định.
Lao động chân tay hay trí óc, nếu tạo ra những sản phẩm chân chính có ý nghĩa tích cực trong phát triển kinh tế đều đáng được tôn vinh. Chẳng cần tìm đâu xa, những người nông dân như ông Hồ Văn Thắng, ông Phạm Văn Hỏi chính là những điển hình cho phong trào thi đua yêu nước thời hiện đại.
Với cách làm sáng tạo, thay đổi giống thường xuyên, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà máy, thu nhập cao… đã giúp cho các ông luôn đạt hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển, làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước