Bỏng điện cao thế, cậu bé 15 tuổi mất một cánh tay và hai cẳng chân

Dân trí-Thứ năm, ngày 17/04/2014 12:00 GMT+7

Khuôn mặt đau đớn của em Vượng khi hai cẳng chân vẫn còn hoại tử sau ca bỏng điện cao thế trước dịp tết Nguyên đán ít ngày

Tôi thực sự sốc trước tình cảnh của cậu bé 15 tuổi đang phải chịu đựng: tay phải bị tháo khớp đến tận vai, hai chân bị cắt cụt đến gần đầu gối. Một tương lai phơi phới bỗng nhiên sụp đổ dưới chân, chỉ vì một tai nạn quá đỗi bất ngờ.

Số phận con tôi chắc trời định đoạt phải không anh ? Đó là câu hỏi của anh Vy Văn Ngọc, bố của em Vy Văn Vượng trước tai nạn bỏng điện cao thế với tôi khi tôi trực tiếp thăm em tại Viện bỏng Quốc gia cách đây ít ngày. Anh Ngọc hỏi mà dường như không tin đây là sự thực đang diễn ra, hay đúng hơn anh hi vọng đây chỉ là giấc mơ hãi hùng bất chợt thoáng qua mà thôi.

Nhưng không, những tiếng kêu đau đớn, rin rít trong cổ họng cùng khuôn mặt nhăn nhó của đứa con trai đáng thương khiến anh biết sự thật đang diễn ra hết sức phũ phàng. “Hôm đó là 25 Tết, cháu được nghỉ học nên trèo cây cột điện ở bản ngồi chơi. Đó là cái cột điện đã quá quen thuộc mà nó vẫn hay ngồi chơi cùng với bạn bè. Cột điện không có điện đâu, vì ở bản chúng tôi cả mấy chục năm nay làm gì có điện. Nó đâu có ngờ, người ta vừa kéo điện về bản chỉ trước ngày định mệnh có 2 ngày. Không biết có điện nên khi trèo lên nó bị điện giật ngã xuống, rồi ra nông nỗi này đến bây giờ”, anh Ngọc kể lại trong cái đắng cay của cõi lòng.

Bản Nà Soen (thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) quê anh Ngọc cũng như nhiều bản làng vùng sâu ở các tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều không: không điện, không đường, không nước sạch. Nên việc những ngày giáp Tết điện được kéo về bản có lẽ là tin vui lớn cho người dân trong một mùa xuân mới. Có điều, niềm vui chưa thấy đâu, thì đứa con trai của anh là cậu bé Vy Văn Vượng đã gặp tai nạn kinh hoàng.

“Sau khi bị điện giật, em vẫn tỉnh táo nhưng không nói được, không cử động được. Sau đó ít phút thì em ngất đi, đến khi tỉnh dậy em đau lắm”, nằm trên giường, Vượng nhớ lại. Được cấp cứu tạm thời tại bệnh viện huyện Bảo Lạc, Vượng được chuyển thẳng xuống Hà Nội cấp cứu tại Viện bỏng Quốc gia.

Năm nay nhà mình không có tết đã đành, nhưng mình thương con gái đầu vì em bị tai nạn mà phải hoãn đám cưới vào tháng 2 này dù đã phát thiếp mời hết rồi. Nhưng thương nhất là con trai, cháu mất một tay, hai chân thì sống còn khổ hơn bằng chết. Sao số phận lại oan nghiệt với con thế con ơi”, anh Ngọc lăn trào nước mắt.

Một người bố quanh năm chỉ biết sống dựa vào chút ngô trên nương rẫy, đang hi vọng vào lứa quế sắp thu hoạch được thì chuyện kiếm tiền cho con chạy chữa bệnh nơi thủ đô quả là một khó khăn như “dãy núi sừng sững” ở quê nhà. Anh Hoàng Anh, điều dưỡng trưởng khoa Bỏng người lớn, Viện bỏng Quốc gia cho biết: “Ông bố của thằng bé tội lắm, đến nói tiếng Kinh còn chưa sõi nên ra đây cái gì cũng lớ nga lớ ngớ. Đưa thằng bé đi viện bằng cách bán con trâu được 10 triệu đồng, theo xe cấp cứu từ Cao Bằng về đây thì trong túi chỉ còn 5 triệu đồng. Đến giờ trong túi không còn một xu, đến tiền cơm hàng ngày của hai vợ chồng và đứa con phải nhờ sự trợ giúp từ quỹ vì người nghèo của bệnh viện. Thậm chí, hỏi giờ có biết đường về quê ở Cao Bằng không thì cũng lắc đầu, bởi đây là lần đầu tiên hai vợ chồng rời khỏi nương rẫy, nhà cửa của mình, mà lại đi xa trong một nghịch cảnh như thế này”.

Về tình trạng bỏng điện của cậu bé Vy Văn Vượng, anh Hoàng Anh cho biết, Vượng bỏng điện với diện tích 18% cơ thể, mặc dù diện tích bỏng không lớn nhưng lại rất nguy hiểm đến tính mạng khi có đến 12% bỏng sâu độ 3, độ 4, độ 5. “Sâu độ 4 là đến tận cơ, độ 5 là đến tận xương, tủy, nội tạng. Chính vì vậy mà chúng tôi dù cố gắng hết sức nhưng vẫn phải tháo một cánh tay đến khớp vai, cắt cụt 2 chân do đã bị hoại tử nặng. Hiện tại bệnh nhân vẫn bị hoại tử ở 2 chân, chúng tôi đang tiếp tục điều trị. Chúng tôi không cắt hết phần hoại tử ở 2 chân là vì cố gắng giữ hai mỏm chân dưới đầu gối cho bệnh nhân, để sau này nếu có cơ hội bệnh nhân sẽ lắp được chân giả mà đi lại”, anh Hoàng Anh khẳng định.

Cũng vì 2 cái chân vẫn đang còn bị hoại tử, nên nằm trên giường, cậu bé Vượng liên tục nhăn nhó vì đau đớn. Có điều, cậu bé có khuôn mặt điển trai ấy, lại rất dũng cảm, có phần mạnh mẽ gánh chịu những cơn đau vì không muốn bố mẹ phải lo, phải sợ, phải khóc trước cánh cửa tương lai bỗng nhiên đóng sập đến với cậu. Những tiếng kêu chỉ phát ra rin rít trong cổ họng, mà dường như em đang cố gồng mình nuốt ngược vào trong.

“Bác sĩ ơi, cho em uống thuốc giảm đau, hoặc thuốc ngủ một lúc đi. Cứ thế này em chết mất”, mãi một lúc lâu thì Vượng mới cầu cứu đến các bác sỹ, y tá về những vết thương bỏng rất đang thi nhau kéo đến hành hạ cơ thể cậu. Tôi vừa thấy phục cho ý chí của em, lại vừa thương cho một cậu bé bỗng nhiên gánh phải một tai họa “từ trên trời rơi xuống”.

Rồi đây, khi vượt qua được nghịch cảnh hiện tại, thì với một cánh tay không còn, với một đôi chân đã không lành lặn, em sẽ sống ra sao ? Trở thành một phế nhân khi vừa chớm bước vào thời kỳ sung sức nhất của tuổi trẻ, liệu số phận có quá oái ăm với em lúc này ?



TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước