Chị Sương chăm con đang điều trị ở Trung tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế. Thể trạng gầy guộc, ốm yếu của em Ảnh là tác dụng phụ của việc điều trị hóa chất dài ngày
Đó là hoàn cảnh rất đáng thương của em Huỳnh Công Ảnh (SN 2002, trú tại Đức Chánh, Mộ Đức, Quảng Ngãi, đang điều trị tại Trung tâm Nhi khoa, BV Trung ương Huế). Cuộc trò chuyện về tình hình sức khỏe của em Ảnh bị ngắt quãng nhiều lần vì chị Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1969, mẹ Ảnh) phải gọi điện thoại liên tục để nắm bắt tình hình nguy kịch của người chồng Huỳnh Văn Hiền (SN 1971) ở quê nhà.
Anh Hiền và chị Sương cưới nhau muộn, cho đến giờ đã sinh được 2 người con mà em Ảnh là con trai đầu. Anh Hiền bất ngờ bị tai nạn bão lụt hồi năm 1999, gãy đốt sống lưng, từ đó mất khả năng lao động. Chị Sương chỉ còn biết một mình gánh vác tằn tiện chi tiêu để lo cho cuộc sống gia đình vốn đã khốn khó. Căn nhà với 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng của một tay chị Sương vun vén cùng trợ cấp xã hội 270.000 đồng/ tháng của người chồng.
Nhưng bi kịch chỉ vừa mới bắt đầu cách đây 6 năm, sau nhiều cơn sốt triền miên, em Ảnh được chẩn đoán mắc Hội chứng đại thực bào máu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Đây là căn bệnh giảm 3 dòng máu hiếm gặp, mà hiện trên thế giới chưa có thuốc chữa, khiến em Ảnh phải truyền máu và hóa chất liên tục cho đến gần như cuối đời.
6 năm qua, Chị Sương cùng con cứ mỗi 12 ngày là phải khăn gói từ Quảng Ngãi ra Bệnh viện Trung ương Huế để tiến hành hóa trị và truyền máu. Sau mỗi lần bơm hóa chất, em Ảnh gần như kiệt quệ, nôn mửa và có dấu hiệu sốt cao. Ruộng vườn bỏ bê, tài sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi nhưng 2 vợ chồng đều quyết tâm sẽ chạy chữa cho đứa con đầu lòng đến cùng.
Tuy nhiên, ông trời đã giáng cái nghiệp quá nặng như lời của chị Sương tâm sự với chúng tôi. Vào năm 2014, anh Hiền phát hiện bị ung thư trực tràng giai đoạn đầu. Gia đình lúc đó phải ưu tiên lo cho em Ảnh nên anh Hiền đành hoãn lại việc điều trị. Cho đến nay, căn bệnh quái ác của anh đã đi đến giai đoạn cuối, khối u ở trong người liên tục rỉ máu không thể cầm được do đó anh phải nhập viện liên tục.
Tính từ đầu năm đến nay, anh Hiền đã phải nhập viện cấp cứu hơn 10 lần vì chảy máu quá nhiều. Khối u xù tinh môn đã cản trở hầu hết hệ thống bài tiết, tiêu hóa nên chị Sương phải nén lòng bán nốt những tài sản còn lại trong nhà để có tiền làm phẫu thuật cắt bỏ ruột để đặt máy tiêu hóa nhân tạo đường ruột cho chồng.
Giờ đây, anh chỉ nằm một chỗ trong nhà, mọi sinh hoạt vệ sinh đều phải do chị Sương chăm sóc. Khi chị Sương tất bật ra Huế lo cho con thì có người thân lân cận giúp đỡ. Cách đây không lâu, mẹ anh Hiền mất vì lâm bệnh nặng. Dù chỉ cách nhà mẹ gần 50 km nhưng anh đành nằm một chỗ òa khóc không thể đến phục tang cho mẹ bởi vì khối u liên tục chảy máu, sợ gây hôi thối và phiền hà cho tang lễ.
“Mấy năm nay, vợ anh phải chạy vạy khắp nơi để cầu cứu sự giúp đỡ. Bà con, hàng xóm ban đầu cũng giúp nhưng dần đành bất lực. Bây giờ tình hình của anh khó rồi, chỉ còn năm chờ chết. Đường cùng rồi, chỉ hy vọng mọi người có thể giang tay giúp cứu giữ lấy mạng sống cu Ảnh đầu lòng mà thôi” - giọng anh Hiền đứt quãng trong điện thoại từ quê nhà Quảng Ngãi nói với PV.
Chúng tôi nhìn những trang ghi chép khám chữa bệnh của em Ảnh ngày một dày lên đi kèm với số tiền lớn cứ “đội nón ra đi” với bao vất vả, giờ đã thành kiệt quệ đối với cả nhà. Kể từ 6 năm trở lại đây, Ảnh đã trở thành bệnh nhi quen thuộc với Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Trung ương Huế. Chị Sương ứa nước mắt: “Hàng ngày cháu phải uống hơn 5 loại thuốc khác nhau để cầm cự việc giảm cả 3 dòng trong máu. Mỗi lần điều trị bằng hóa chất, Ảnh như ông già không thể đi nổi, mình mẩy mọc lông rất tội nghiệp”.
Thật sự khi nhìn thể trạng của em Huỳnh Công Ảnh, chúng tôi không khỏi đau lòng với một cậu thiếu niên 14 tuổi giờ đây như một ông già trong hình hài 1 học sinh tiểu học. Việc học hành đã bỏ lửng nhưng mỗi lần hiếm hoi được xuất viện, em Ảnh đều nhờ mẹ cho về quê thăm cha, chăm sóc cha “vì thấy cha bệnh con cứ buồn lắm không chịu được”, xong rồi chở đến trường để đỡ nhớ thầy cô và bạn bè.
Giờ đây, kể cả việc xuất viện để ở bên cha mình những ngày cuối cùng cũng đã là một thứ xa xỉ đối với em khi đang bị cơn đau hành hạ. Chờ mong một phép lành sẽ đến với gia đình em Huỳnh Công Ảnh để mang lại cho em những ước mơ bình dị nhất.
Đôi mắt chị Sương ngày càng mờ đi trong cơn mòn mỏi để chờ đợi một phép mầu nhiệm để có thể hy sinh thân mình đổi lấy tương lai cho cháu Ảnh – một cậu bé mà trong khi bạn bè làm bạn với sách vở, trường lớp thì em phải ngày ngày bên hóa chất, giường bệnh và trông ngóng về người cha cũng đang lụi tàn dần nơi quê nhà với căn bệnh quái ác.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.