"Áo ấm VTV ngược vùng cao Suối Sát" (P.2)

Đăng Bền-Thứ ba, ngày 05/02/2013 15:18 GMT+7

Trong phần đầu ký sự Hành trình "Áo ấm ngược vùng cao” phóng viên Đăng Bền đã ghi lại hành trình đến với vùng cao Bắc Yên, Sơn La và cuộc gặp gỡ ấm áp đầy tình người của những người dân nơi đây. Mời quý vị và các bạn theo dõi tiếp phần 2 của ký sự.

NGÀY 2: NGÀY HỘI Ở SUỐI SÁT

Giật mình vì tiếng người lao xao, tiếng động cơ nổ ròn rã... Đặt chuông 5h30 cơ mà? Hay chuông không đổ? Tưởng ngủ quên, hoá không phải. Xuống dưới sân Khách sạn Đồng Tâm, đã thấy anh Hùng bí thư huyện đang trao đổi đường đi với cánh anh em lái xe.

Đám thanh niên U20 trong đoàn VTV, 1h đêm qua còn cười đùa lao xao, giờ đã có mặt đầy đủ, cùng các anh chị đang bốc hàng từ xe tải 1,5 tấn, xe khách, lên chiếc xe tải 6 tấn, lừng lững, lốp cao tới ngang ngực… chuyên chở trên các cung đường miền núi.

Chưa biết cung đường phức tạp thế nào, nhưng nhìn chiếc xe tải chở hàng cũng đã phần nào thấy yên tâm. Hàng sẽ lên được đến tận đỉnh của những ngọn núi đang ngủ yên trong mây kia.

4 chiếc u - oát với những tay lái giàu kinh nghiệm nhất huyện Bắc Yên đã xếp thành hàng. 6 người một xe, ngồi hơi chật nhưng tốt hơn nhiều chạy xe máy, tiếng máy nổ giòn. Hai cầu, động cơ 3 chấm đấy nhé, nhưng chỉ có 122 mã lực nên leo khoẻ lắm. Thân xe ngắn, khoảng sáng gầm cao, đủ để nuốt gọn mấy cái sống trâu… Hồi đêm còn lất phất mưa, mà giờ trời khô ráo lạ. Không lạnh, chỉ có sương mù dày đặc, quẩn quanh...

Suối Sát là bản mới tách, thuộc xã mới Hua Nhàn, trước đây thuộc xã Tạ Khoa. Bí thư Hùng muốn khoe trụ sở xã khang trang, mới xây năm ngoái, nên chúng tôi không đi thẳng vào Suối Sát mà đi đường vòng lên xã trước.

"Hua Nhàn có 17 bản, chủ yếu là người Mông, người Thái, và người Mường.. Mình vào đất của họ, phải qua gặp, chào họ chứ", Bí thư Huyện cười hấp háy.

Hết đường nhựa, xe lao phăm phăm trên con đường mới mở toàn đá lổn nhộn, xóc lộn cổ... Chốc chốc dừng khựng lại. Anh Võ lái xe nhồi phanh, nhồi côn liên hồi.

Vào cầu, tiếng máy gằn lên, xe chạy khừng khừng vọt qua những con dốc dựng đứng, lầy bùn... Người lại ngã bổ ngửa ra sau, lắc lư... Hai bánh sau xe như muốn truồi ra. "Đây vẫn còn là xa lộ đấy, lát lên kia mới khiếp" - anh Võ nói gần như hét, trong tiếng động cơ xe đang gầm lên.

Những mái nhà sàn hiện ra ở hai bên đường, bí thư Hùng như một hướng dẫn viên thuần thục: "Đây là bản Nậm Mạnh... đây là Khoáng Khẩu... Nong Bác... chưa tới đâu, leo nữa lên.. trên kia là Khum Khia, Ba Khố, Suối Sát... Kinh tế thế giới, trong nước suy thoái. Nghị quyết 11 tạm hoãn các dự án đầu tư, nên con đường nó mới dở dang thế này. Đường này chủ yếu là để bà con vận chuyển nông sản. Phải có đường giao thông thì đời sống đồng bào mới khấm khá lên được".

Đang là tháng 12 âm lịch, Tết của người H’Mông, trai gái H’Mông rủ nhau ra đường đi chơi Tết... cả trai, cả gái, ở trên có mặc cái gì chứ nhất định, con trai phải vận quần đen thùng thình, còn con gái phải mặc váy xoè sặc sỡ,.. Có hai cô gái trẻ, nhìn đoàn xe đi qua rồi rúc vào nhau cười.

Xuân đến rồi đấy.

Đến trung tâm xã, chụp với nhau một kiểu ảnh lưu niệm. Bí thư huyện cũng đã kịp trao đổi, họp nhanh công việc với bí thư, chủ tịch xã. Không kịp uống chén nước, tất cả lại lên đường.

Bí thư xã Hua Nhàn Nguyễn Văn Nam, chủ tịch Vàng A Chu, phó chủ tịch Giàng A Lềnh... Giàng A Thái, phó trưởng công an xã... mỗi người một xe máy chia nhau dẫn đoàn.

"Không có người dẫn đường, ô tô không vào được đâu", Chủ tịch Vàng A Chu thật thà: "Đám thanh niên mang lợn vào bản trước để làm cơm ăn rồi. Dân bản nuôi con gà, con lợn chỉ đủ để ăn thôi".

Anh Bảo, nhiếp ảnh gia phụ hoạ "Kinh tế thị trường chưa vào được đến Bản đâu, tớ từng nhờ dân bản đi mua gà, mà 2 tiếng về tay không đấy. Không nhà nào bán hết, họ có kế hoạch cho từng con gà rồi!".

Mấy đứa trong đoàn bấm nhau, mừng quá, về phải nhớ trả tiền lợn cho xã. Anh Chu chẳng nói đùa. Con đường lầy lội, lổn nhổn đá bỗng biến mất. Phía trước mặt là dòng suối cạn, lổn nhổn đá cuội. Sau lưng là vách núi dựng đứng.

Chủ tịch xã Chu đi trước đã ở dưới suối, chỉ tay lên con suối chạy ngoằn nghèo phía trước: "Đường đấy". Đoàn xe bò xuống suối, anh Chu cho biết: "Mùa này nước cạn đi được, chứ mùa mưa tầm tháng 5, tháng 6, bản Suối Sát bị cắt đứt, cô lập trên núi cao".

Cả đoàn tạm dừng nghỉ và cũng kịp tặng quà cho một cụ già ốm yếu đang nhặt củi dưới lòng suối. Lên đường, xe chạy băng băng trên mặt suối, nước tung trắng xoá.

Đem chuyện về những tấm ảnh chụp trẻ em vùng cao, ở đâu cũng thấy ở trần, ở truồng hỏi anh Hùng bí thứ huyện, anh kể: "Đồng bào người H’Mông có quan niệm, chiếc áo trẻ em phơi trên dây mà gió thổi rơi xuống đất là đã bị con ma bắt. Đứa trẻ nào mặc vào sẽ bị con ma theo, bắt đi. Nên cái áo đó phải bỏ, dù nó rất mới".

- "Bỏ đi? Phí thế ạ?"

- "Cũng không hẳn sẽ bỏ đi. Khi có hàng xóm, nhìn thấy, vô tình nhặt lên treo lại thì mới hết con ma, cái áo đó mới dùng lại được".

Thì ra là vậy, người dân tộc họ sống với những tục lệ, tập quán của mình từ hàng ngàn năm nay. Họ có lý do, đôi khi, để tin vào những điều tưởng như là phi khoa học.

Lại nghĩ đến bài phóng sự của một cô phóng viên trẻ phản ánh chuyện những học sinh trường PTCS Háng Đồng, xã Háng Đồng, cũng tại huyện Bắc Yên, Sơn La này phải bắt chuột để ăn chống rét.

Đúng, bữa cơm của đồng bào vùng cao, của các em học sinh còn thiếu thịt. Nhưng đáng lo hơn là thiếu gạo. Chứ còn chuột vùng cao, đối với đồng bào cũng là thứ đặc sản như ở dưới xuôi. Mà con chuột ở đây ngon hơn nhiều, vì loại chuột này chỉ ăn những củ, ăn lá cây thuốc trên rừng. Thế mới biết, những cách biệt về quan niệm, thông tin... những cách trở về giao thông liên lạc mới thật là đáng sợ.

Bí thư Hùng hô lên "Đến rồi đấy", Suối Sát hiện ra với một nếp nhà sàn nằm cheo leo lưng núi. Thế nhưng, đường đến trung tâm bản vẫn còn tới 3 cây số, một bên là vực bên là núi đá dựng đứng, với những góc cua tay áo dốc ngược, phải "vài đỏ" mới qua được.

Đón chúng tôi là những đứa trẻ, áo quần đầy đủ. Trẻ con thò lò mũi xanh, chỉ vài đứa cởi truồng, còn đám học sinh thì áo đồng phục, váy xoè đẹp lắm. Không thấy ông bà già đâu, chỉ rặt thanh niên, tươi cười hớn hở.

Giật mình, hay là đến nhầm? Chợt hiểu, hôm qua Bí thư huyện gọi điện thông báo cho xã. Rồi lo lắng đến cả miếng ăn, an ninh cho Đoàn. Thậm chí, trưởng phòng giáo dục Thuỷ còn thông báo sẽ trực tiếp lên, đề nghị giáo viên cho các em học sinh đi học đầy đủ vào ngày thứ 7 cơ mà.

Từ chiều qua đến giờ, trưởng bản Páo và 5 thầy cô giáo của bản chắc đã phải vất vả lắm để gọi lũ trẻ đến trường và mặc những bộ quần áo đẹp nhất cho chúng?

11h40 phút

Dựng phông bạt, lên danh sách các hộ trong bản. Phân loại chi tiết quà cho hộ nghèo. Bản có 70 hộ thì tới 45 hộ là nghèo. Quà của "Áo ấm ngược vùng cao" lần này nhiều lắm, đủ cho cả bản, nghèo với không nghèo cũng chỉ khác nhau cái màn tuyn.

‘ Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm với lãnh đạo Huyện Bắc Yên

100 áo khoác, 110 áo len, 110 khăn quấn cổ, 60 màn tuyn, 160 đôi ủng (lớn, bé), 105 thùng mì tôm, 10 kg gạo, 1000 cuốn vở, 320 bút, 150 lọ dầu gió, 150 lọ Becberin, 150 chăn,.. bánh, kẹo, đồ chơi cũ, quần áo cũ cả mấy bao tải lớn.

Thế là ngày hội bắt đầu, sau bài phát biểu cực ngắn của anh Hùng bí thư huyện, anh Giàng A Lềnh phó bí thư xã Hua Nhàn... tất cả mặc áo cho lũ trẻ, chia kẹo, chia vở, chia bút, chia khăn quấn cổ…

Gần hai trăm đứa trẻ, nhếch nhác, đứa nào cũng thò lò mũi xanh, chốc chốc lại đưa tay quệt ngang mặt, vẽ lên một đường như hề. Rất trật tự, ngoan ngoãn đứng xếp hàng. Những ánh mắt dò xét, sợ hãi, nửa như van lơn... ngước lên nhìn người lạ.

Mình kéo một bé gái vào lòng, con bé chỉ 3 - 4 tuổi. Vừa đưa chiếc áo mới ướm vào người, đã thấy nó cho tay xỏ gọn lỏn, ngon lành vào cả hai ống tay. Trời không lạnh, chắc con bé cũng sẽ nóng nếu mặc thêm một cái áo khoác bên ngoài, thế nhưng nó để yên cho mình kéo khoá lên đến tận cổ. Rõ ràng, nó rất thích chiếc áo.

Áo ấm cho em

Chị Lầu, phụ trách công tác văn phòng huyện, giáo viên Khoa, Suối Sát đứng hẳn lên trên ghế, chị Lầu đọc tiếng Kinh, anh Khoa dịch ra tiếng H’Mông...

Đại diện từng hộ theo đúng danh sách lên nhận quà trĩu tay. Đã sắp xếp, phân công rất khoa học, phát và nhận quà theo kiểu ăn buffet, thế nhưng, cũng phải gần 2h30 quà mới phân phát hết.

‘ Ngày hội thiện nguyện tại Suối Sát

Thở phào, xong, vui, đầu óc trống rỗng, Chưa kịp cảm nhận gì về những việc mình đã làm. Chỉ ám ảnh về cung đường vừa trải qua. Về mùa mưa, khi nước suối dâng cao, cắt đôi con đường từ xã lên tới bản. Rồi, miếng ăn, manh áo, rồi dịch vụ y tế... sẽ chẳng dễ dàng.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước