TP.HCM: Nhiều điểm khó trong thu hồi nợ đọng thuế

Nguyệt Hà-Thứ tư, ngày 02/10/2013 09:49 GMT+7

 Tại TP.HCM, số nợ đọng ngành thuế đã tăng 25% so với cuối năm ngoái. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp chưa mấy sáng sủa khiến công tác thu hồi nợ đọng, chống thất thu thuế thêm nhiều khó khăn.

9 tháng đầu năm, số nợ thuế tại Chi cục Thuế quận 10 đã tăng 58% so với cuối năm 2012 trong đó, chỉ riêng khu vực doanh nghiệp chiếm trên 78%. Theo đại diện Chi cục Thuế quận 10, khả năng hoàn thành số thu thuế được giao từ khu vực này là không thể, khả năng thu hồi nợ đọng thuế càng khó khăn hơn khi chính bản thân doanh nghiệp cũng phải chật vật đi thu hồi nợ từ các khách hàng.

Hiện nợ đọng khó thu của ngành thuế chiếm khoảng 13%. Đây là những khoản nợ do các doanh nghiệp đã giải thể, mất tích hoặc đang làm thủ tục phá sản. Theo quy định chung, số nợ thuế phải ở mức dưới 5% tổng thu ngân sách, nhưng hiện nay, theo ghi nhận của riêng Cục Thuế TP.HCM, số nợ đọng thuế đang chiếm 8-9% số thu thuế nội địa.

‘ Hiện nợ đọng khó thu của ngành thuế chiếm khoảng 13% ( Ảnh: ĐT Chính phủ)

Cục Hải quan và Cục thuế TP.HCM cho biết, biện pháp cưỡng chế được coi là mạnh tay là trích tiền tài khoản của đối tượng nợ thuế quá 90 ngày cũng rất khó thực hiện.

Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM cho rằng: “Đơn vị hoạt động tại TPHCM không chỉ có tài khoản giao dịch ở TP.HCM, mà họ có thể mở trên khắp các ngân hàng trên toàn quốc. Vấn đề là nếu tài khoản ở TP.HCM thì các tài khoản này không còn số dư. Vấn đề là phải rà soát lại hết tài khoản giao dịch của doanh nghiệp ở các địa phương khác là một vấn đề khó”.

Trong thời gian qua, mặc dù cơ quan Hải quan đã chuyển hồ sơ một số vụ nợ thuế lớn, chây ỳ cho Công an TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa có vụ nào được khởi tố điều tra, với lí do việc điều tra thu hồi nợ thuế không thuộc trách nhiệm của cơ quan này và chưa đủ yếu tố hình sự.

Nhiều biện pháp cưỡng chế nợ gặp nhiều khó khăn, ngành Thuế đã áp dụng cả biện pháp đình chỉ sử dụng hóa đơn nhưng gặp phải nhiều bất cập.

Bà Trần Thị Lệ Nga cho biết thêm: “Doanh nghiệp muốn có tiền để nộp thuế thì phải bán hàng mà bán hàng cần hóa đơn để sử dụng. Vì thế việc đình chỉ DN sử dụng hóa đơn cũng rất khó”.

Dù có nhiều điểm khó trong công tác thu hồi nợ đọng thuế, song quan điểm chung của các cơ quan chức năng là đối với các doanh nghiệp còn khả năng nhưng chây ì không nộp thì quyết truy thu, cưỡng chế.

Còn các doanh nghiệp vì khó khăn tạm thời, vòng quay vốn chậm, có thể xem xét để giãn, khoanh lại phần chậm nộp, phần bị phạt bởi suy cho cùng, khó khăn kinh tế là nguyên nhân chủ yếu của nợ đọng thuế tăng cao cũng là cách chia sẻ với doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước