Phá sản - Kết quả "hợp lý" cho các công ty tài chính thuộc tập đoàn NN?

Hoài Linh-Thứ ba, ngày 17/09/2013 16:19 GMT+7

13 công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang bơi trong khó khăn: Huy động giảm sút, trong khi nợ xấu đang tăng tới 80% chỉ trong 8 tháng đầu năm.

Từng được xem là “cánh tay” nối dài của các tập đoàn kinh tế Nhà nước, nhưng thời hoàng kim đã qua đi, khi mà hoạt động cho vay ngoài ngành bị siết lại, cộng dồn với những khó khăn chung của cả nền kinh tế, khiến các công ty tài chính này đang chật vật để tồn tại.

Nợ xấu cao gấp 3 lần mức bình quân của hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố, ở mức 18%. 13 công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn, các tổng công ty Nhà nước đang nắm giữ tới 18% tổng số nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại TP.HCM. Trong khi số tiền cho vay ra, thông qua các công ty này chỉ chiếm một tỷ lệ vô cùng khiêm tốn: 1,6% tổng dư nợ, tương đương 14.600 tỷ đồng.

Nghị định 79 của Chính phủ ban hành năm 2012 tạo hành lang pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của các công ty tài chính. Được phép huy động vốn từ các nguồn tiền gửi có kỳ hạn 1 năm trở lên, tiếp nhận vốn ủy thác, đi vay, phát hành các loại giấy tờ có giá, được hoạt động tín dụng dưới nhiều hình thức, các công ty tài chính được ví von giống như một ngân hàng thương mại với nhiều nghiệp vụ rút gọn. Tuy nhiên, nghiệp vụ rút gọn dường như cũng đồng nghĩa với khung giám sát và đảm bảo an toàn trong hoạt động của các công ty tài chính, theo các chuyên gia thì dường như bớt khắt khe hơn.

‘ Hình minh họa

“Lý do là vì việc dễ dãi cho các tập đoàn mở các công ty tài chính và cũng dễ dãi để các công ty tài chính này đầu tư. Nguyên nhân thứ hai là các công ty tài chính huy động lấy thế của tập đoàn chứ không phải của dân nên hệ thống giám sát cũng không khắt khe”, ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế chương trình Fulbright nói.

Theo các chuyên gia, trước năm 2008, ngoài việc cung ứng vốn cho chính các tập đoàn, các công ty tài chính đã đổ khá nhiều vốn vào thị trường bất động sản. Nhưng sự khó khăn của cả nền kinh tế, sự đóng băng của thị trường, cùng với việc siết đầu tư ngoài ngành đã làm cho hoạt động của các công ty tài chính không còn dễ dàng.

Hiện tại, các công ty tài chính thuộc các doanh nghiệp Nhà nước đang thu hẹp dần về quy mô, mạng lưới hoạt động và cả về nhân sự với ưu tiên hàng đầu là xử lý nợ xấu. Các chuyên gia cho rằng, phá sản cũng là một sự lựa chọn không tồi đối với các công ty tài chính trong bối cảnh hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước