Mặt bằng lãi suất mới của 4 NHTM lớn giảm xuống được các thành viên thị trường đánh giá là một động thái tính cực. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu các ngân hàng phải tiếp tục rút ngắn chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay. Trong lúc này, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh câu hỏi: Liệu các ngân hàng vẫn đang có lợi nhuận cao do khoảng chênh lệch lãi suất lớn giữa cho vay và huy động?
Chuyên gia tài chính ngân hàng - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu và Tiến sĩ Quách Mạnh Hào sẽ đưa ra những góc nhìn đa chiều về vấn đề này.
TS.Quách Mạnh Hà: Nếu chỉ nhìn ở góc độ lãi suất huy động được kiềm chế ở mức 7,5%/năm và lãi suất cho vay ra là 15-16% thì cảm giác khoảng cách là khá lớn. Nhưng nếu phân tích sâu hơn thì có thể thấy con số 7,5% mà NH công bố là cho các thời hạn ngắn, còn đối với các kỳ hạn dài hơn thì chi phí huy động có thể cao. Hay nói cách khác là, đối với NH thì phải tính đến chi phí vốn bình quân mà họ phải trả, mỗi NH có một mức khác nhau, nhưng chắc chắn cao hơn rất nhiều so với con số 7,5% mà chúng ta nhìn thấy.
TS.Nguyễn Trí Hiếu: Đối với các NHTM, chi phí vốn vào khoảng 9%. Ngoài chi phí vốn, đây là các chi phí mà bất cứ NH lớn nhỏ nào đều phải chịu cả. Thứ nhất là họ phải giữ một số tiền nào đó trong tiền gửi của dân chúng, nó như một khoản dự trữ cho thanh khoản. Thứ hai, họ phải giữ một lượng dự trữ bắt buộc cho NHTƯ. Ngoài hai điểm đó, khi NH cho vay ra, lại phải trích lập một khoản dự phòng rủi ro. Ngoài tất cả ba điều đó, NH phải có những chi phí về marketing, khuyến mại, nhân lực lao động, hạ tầng cơ sở...
TS.Quách Mạnh Hào: Một quan điểm mà có thể nghe thì mâu thuẫn hay nhiều người nghe không tin, nhưng tin chắc một điều là nếu các NH giảm lãi suất cho vay thì dư nợ xấu của NH sẽ giảm đi rất nhiều. Nói cách khác là chất lượng tín dụng sẽ được cải thiện và chi phí vốn bình quân của NH sẽ giảm xuống trong tương lai.
TS.Nguyễn Trí Hiếu: Mong rằng NHTƯ có thể tiếp tục hỗ trợ các NHTM qua những chương trình tái cấp vốn. Qua tất cả những chương trình hỗ trợ của các NHTƯ, có nghĩa lãi suất điều hành có thể phải giảm sâu hơn nữa.
Có một điều chắc chắn là, nếu như NHNN đưa ra các mức lãi suất điều hành cao lên để chống lạm phát như trước đây, thì nền kinh tế chắc chắn gặp khó khăn, nhưng chiều ngược lại, nghĩa là NHNN giảm mức lãi suất điều hành xuống thì không giải quyết được vấn đề. Có nghĩa, công cụ lãi suất ở chiều lên có tác dụng tức thì, nhưng còn ở chiều xuống thì tác động gần như không rõ ràng hay rất yếu. Vấn đề chính NHNN cần đặt ra là làm thế nào để hỗ trợ được các NH trong việc giải quyết nợ xấu hiện nay.