Đã có rất nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng cá nhân với lãi suất ưu đãi được các ngân hàng đưa ra như cho vay mua nhà, mua xe, sắm sửa vật dụng, phát hành thẻ tín dụng miễn phí… Từ các ngân hàng nội đến các ngân hàng ngoại đều đồng loạt triển khai.
Ông Lê Thành Trung, Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết: "Thủ tục xét duyệt khoản vay đã được đơn giản và cụ thể hóa. Thời gian vay không chỉ 5-7 năm mà có thể kéo dài 15 năm, thậm chí có trường hợp đặc biệt lên tới 20 năm. Điều này sẽ tạo ra một khoảng thời gian trả nợ cho khách hàng và giảm áp lực trả nợ".
Điều dễ nhận thấy, trước đây lãi vay của khách hàng cá nhân thường cao hơn doanh nghiệp khoảng 3-4%/năm. Đến nay, khoảng cách này đã được thu hẹp đáng kể bởi ngân hàng dư thừa vốn, phải tìm mọi cách để cho vay ra.
Kinh tế suy giảm, tổng cầu toàn xã hội giảm. Kích thích cho vay cá nhân cũng là hướng đi đúng để giải quyết bài toán sức mua và hàng tồn kho. Nhiều ngân hàng thậm chí còn tung ra những gói tín dụng siêu nhỏ, chỉ một vài triệu đồng.
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nam Á cho biết: "Những khoản vay mà các tổ chức tín dụng hay định chế tài chính chưa quan tâm, chúng tôi lại đặc biệt quan tâm. Đó là những khoản vay thực sự nhỏ như 1 triệu, 5 triệu..."
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cho biết thêm: "Mức độ rủi ro cá nhân không cao như doanh nghiệp, nhưng sẽ vất vả cho ngân hàng từ khâu triển khai, thực hiện đến theo dõi nợ cũng như quản lý, bởi độ lớn của khách hàng sẽ nhiều hơn doanh nghiệp".
Tỷ trọng cho vay cá nhân hiện nay đang chiếm từ 40-50% tổng dư nợ của các ngân hàng. 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng cả nước chỉ đạt 2,55% cho thấy tốc độ cho vay ra vẫn đang hết sức chậm chạp.
Theo các chuyên gia, việc cho vay tiêu dùng cá nhân đang trở nên hấp dẫn. Nhưng xét cho cùng, việc vay ngân hàng phụ thuộc nhiều vào công việc kinh doanh, tiền lương tiền công, mà những thứ này, cũng ngày càng trở lên eo hẹp. Cho nên mở rộng tín dụng cá nhân, xét cho cùng, cũng là việc rất khó.