Mất 30 triệu vì mất số ĐTDĐ

Ngọc Diệp-Thứ năm, ngày 18/07/2013 14:45 GMT+7

 Gần đây, các diễn đàn mạng xôn xao thông tin một chủ tài khoản tại Ngân hàng Hàng hải bị ăn cắp 30 triệu đồng. Kẻ gian đã lấy tiền bằng cách lấy số điện thoại của chủ nhân để đánh cắp mã xác thực (OTP).

Một số tiền không nhỏ đã bị đánh cắp khỏi tài khoản mà chủ nhân của nó là anh Đặng Thanh Hải không thể làm gì được. Thủ đoạn của kẻ gian là lấy cắp thông tin cá nhân, email, mật khẩu, mọi thông tin căn bản trên chứng minh thư và cả số điện thoại. Theo các chuyên gia, khi các thông tin cá nhân như trên bị mất thì khả năng mất tiền trong tài khoản ngân hàng là rất lớn.

‘ Ảnh: VTV News

Ông Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ thẻ SmartLink cho rằng:“Kết quả kiểm tra hệ thống của chúng tôi cho thấy đã có người nhiều lần dùng thông tin cá nhân của anh Hải để cố gắng thực hiện các giao dịch chuyển tiền mà không thành công vì không có được OTP”.

Có thể trước khi để mất số điện thoại, nhiều khả năng anh Đặng Thanh Hải đã để lộ rất nhiều thông tin cá nhân, từ số thẻ, mật khẩu giao dịch, ngày có hiệu lực, số chứng minh nhân dân, ngày cấp, nơi cấp… Đại diện Ngân hàng Hàng hải khẳng định rằng trong vụ việc của anh Hải, việc mất tiền lẽ ra vẫn có thể ngăn chặn được nếu như ngay khi thấy mất số điện thoại di động, khách hàng liên hệ ngay với ngân hàng để chặn việc các mã OTP được gửi đi.

Ông Arnab Ghosh, Giám đốc Trung tâm kinh doanh thẻ quốc tế, Ngân hàng Hàng hải cho biết: “Khi đăng ký tài khoản với ngân hàng, khách hàng đã cung cấp một số điện thoại di động để xác thực các giao dịch. Và ngay khi khách hàng thấy có vấn đề nào đó xảy đến với số di động của mình, khách hàng liên hệ ngay với ngân hàng thì giao dịch sẽ được chặn lại”.

Không ít ý kiến cho rằng chính việc anh Hải bị mất số di động mới dẫn đến việc anh mất tiền. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, ý kiến này có phần chưa thỏa đáng bởi ngay cả khi đã có mã OTP mà thiếu các thông tin cá nhân chính xác cũng như mật khẩu giao dịch của chủ tài khoản thì việc chuyển tiền không thể thực hiện được.

Như vậy, trước khi các quy chuẩn giao dịch tại ngân hàng hay quy định cấp lại sim được siết chặt hơn nữa, thì chính người tiêu dùng cần phải học cách giữ gìn thông tin cá nhân của mình trước.

Theo báo cáo mới nhất của Kaspersky Lab, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người dùng bị lừa đảo trực tuyến tăng cao nhất thế giới. Cụ thể, các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng đến 160% so với năm trước.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước