Bức tranh xuất khẩu khởi sắc và hứa hẹn bứt phá năm 2024

Kate Trần-Thứ năm, ngày 27/06/2024 11:00 GMT+7

Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng rất tích cực

VTV.vn - Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng rất tích cực và có dấu hiệu bứt phá trong thời gian tới.

Kim ngạch tăng mạnh, xuất khẩu khởi sắc rõ nét

Đóng góp quan trọng vào kết quả đó không thể không nhắc đến những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch trên 5 tỷ USD như máy vi tính, điện tử, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, điện thoại và linh kiện.

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đạt 270,82 tỷ USD, tăng 16,8%, tương ứng tăng 38,87 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.  cán cân thương mại thặng dư 6,36 tỷ USD. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, với đà này, chỉ hết tháng 5, kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ chạm ngưỡng 300 tỷ USD.

Đáng chú ý, xuất khẩu có sự tăng trưởng mạnh mẽ với tổng kim ngạch đạt tới 138,59 tỷ USD, tăng 16,1%, tương ứng tăng 19,17 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch tăng thêm từ 1 tỷ USD trở lên so với cùng kỳ năm 2023.

Đứng đầu danh sách là mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện - nhóm hàng có tăng trưởng nhiều nhất với con số tăng thêm 6,16 tỷ USD, tương ứng tăng 34,3%. Được biết, hiện xuất khẩu nhóm hàng này chủ yếu sang các thị trường như Hoa Kỳ với 6,8 tỷ USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 3,99 tỷ USD, tăng 23,5%; Hồng Kông (Trung Quốc) với 2,56 tỷ USD, tăng 84,7%; Hàn Quốc với 1,86 tỷ USD, tăng 14,5%...

Kế tiếp đó là kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 1,87 tỷ USD, tương ứng tăng 12,8%. Theo đó, 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng này là Hoa Kỳ với 5,64 tỷ USD, tăng 5,7%; EU với 2,23 tỷ USD, tăng 16,8%; Hàn Quốc với 1,02 tỷ USD, tăng 16%.

Điện thoại các loại và linh kiện đứng thứ 3 về kim ngạch tăng thêm với con số tăng 1,45 tỷ USD, tương ứng tăng 7,9%. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Hoa Kỳ với 3,81 tỷ USD, tăng 21,8%; Trung Quốc với 3,47 tỷ USD, giảm 13,9%; EU với 2,55 tỷ USD, giảm 1,6%; Hàn Quốc với 1,16 tỷ USD, tăng 7,5%...

Nhóm hàng tăng trưởng tỷ đô thứ 4 là máy ảnh máy quay phim và linh kiện là với con số tăng 1,27 tỷ USD, tương ứng tăng 64,6%. Và 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng này là Trung Quốc với 1,89 tỷ USD, tăng 103%; Hoa Kỳ với 318 triệu USD, tăng 38,6%; Hàn Quốc với 172 triệu USD, tăng 6,3%.

Cũng theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm ước đạt 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và có 21 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 86,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD - đều tăng so với cùng kỳ năm trước, chiếm tới 57,8%.

Tính đến nay, Việt Nam tham gia ký kết 16 FTA, cơ bản các thị trường FTA đều có hiệu quả rất tốt và các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều nằm trong các FTA. Ngoài ra hiện có 3 FTA đang đàm phán đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); Việt Nam tham gia khuôn khổ đàm phán FTA Asean và Canada; FTA Việt Nam với UAE hiện đang nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. Riêng FTA Việt Nam với UAE - đã được đàm phán nhanh, khi hai bên nhận thấy các tiềm năng hợp tác phát triển. Có một số khu vực, địa bàn chưa có FTA như Trung Đông, Nam Á, châu Phi. Bộ Công thương đang nỗ lực tìm kiềm khả năng để tiến tới ký kết FTA, qua đó góp phần cải thiện và nâng cao hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới.

Trao đổi với phóng viên VTVTimes, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho hay, từ đầu năm đến nay, nhiều thị trường xuất khẩu lớn dần phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái, nhu cầu hàng hóa tăng khiến cho các đơn hàng quay trở lại với doanh nghiệp mạnh mẽ hơn. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam ngày càng khai thác hiệu quả hơn các FTA…các yếu tố cơ bản đó đã giúp thương mại hàng hóa tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao.

Khối FDI vẫn làm chủ cuộc đua

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI trong nửa đầu tháng 5 đạt 10,77 tỷ USD, tăng 25,3% (tương ứng tăng 2,17 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 4/2024. Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/5, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 83,6 tỷ USD, tăng 14,2%, tương ứng tăng 10,42 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 63,2% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

theo thống kê của Bộ Công thương, 4 tháng Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 21%, chiếm 27,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 90,02 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm tới 72,8%.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy rõ rệt những bước phát triển rất nhanh của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và chiếm lĩnh tỷ trọng cao hơn hẳn so với khối doanh nghiệp nội địa trên bản đồ xuất khẩu nước ta. Đơn cử, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI gấp hơn 2 lần so với với doanh nghiệp trong nước. Cán cân thương mại của doanh nghiệp FDI thặng dư 16,02 tỷ USD.

Bức tranh xuất khẩu khởi sắc và hứa hẹn bứt phá năm 2024 - Ảnh 4.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV) năm 2023

Còn theo số liệu mới nhất mà Tổng cục Hải quan công bố, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 182,8 tỷ USD, tăng 13,9%, tương ứng tăng 22,29 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp FDI đạt 99,19 tỷ USD, tăng 13,6% , tương ứng tăng 11,87 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đặc biệt, các con số cũng cho thấy, doanh nghiệp FDI chiếm ưu thế lớn ở các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta. Đó là 5 nhóm hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc, thiết bị…

Bàn về câu chuyện này, Cục Xuất nhập khẩu thừa nhận, xuất khẩu của nền kinh tế tăng cao nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp FDI vẫn quá lớn. Điều đó cho thấy, khối doanh nghiệp FDI vẫn làm chủ cuộc đua ngay trên "sân nhà". Trong khi đó, năng lực xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa cao và rõ ràng chúng ta phải nỗ lực dài hơi mới có thể đạt được sự cân bằng./.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước