VTV.vn - Những câu chuyện xúc động từ Đà Nẵng cho thấy cuộc chiến với COVID-19 vô cùng cam go và càng thấu hiểu hơn sự hi sinh của đội ngũ y bác sĩ – những chiến binh áo trắng.
Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 1.
Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 2.

Bỗng một ngày Đà Nẵng có bão giông!
Hàng triệu trái tim nghiêng về nơi ấy
Chợ Rẫy, Bạch Mai, bay vào không ngần ngại.
Cả nước một lòng chắc bão sẽ mau tan.
Có một chiều anh nói phải xa em
Mà chưa hẹn thời gian ngày trở lại
Cuộc chiến của đồng đội anh vẫn còn xa ngái
Em mỉm cười... nước mắt cất vào tim.
Đà Nẵng hôm nay bỗng im ắng lạ thường!
Những con đường thôi ngóng người qua lại
Đôi mắt trĩu buồn vương màu ái ngại
Sau cánh cổng viện kia... dông tố bão bùng.
Này những chiến binh áo trắng anh hùng!
Cả Đà Nẵng nghiêng mình mong ngóng
Ở trong kia tất cả sẽ yên bình
Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...


Thơ Ngọc Uyển, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng

Đó là những dòng thơ xúc động trong bài thơ sau đó được phổ nhạc mang tên "Đà Nẵng ngày bão dông" do cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển (giáo viên trường THPT Phan Châu Trinh, TP Đà Nẵng) sáng tác sau khi gặp chồng là bác sĩ Trịnh Minh Thế ở cổng Bệnh viện C Đà Nẵng ngay trước giờ phong tỏa bệnh viện – nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên – trong vòng 14 ngày sau khi COVID-19 bất ngờ trở lại thành phố miền Trung này.

Cuộc gặp chỉ kéo dài trong vài phút ngắn ngủi nhưng đó là một khoảnh khắc không thể nào quên với hai vợ chồng. Và cảm xúc từ khoảnh khắc ấy đã được cô giáo Uyển gửi gắm trong bài thơ "Đà Nẵng ngày bão dông". Cô hiểu rất rõ và lo lắng với những mối hiểm nguy, sự vất vả của những chiến binh áo trắng như chồng mình đằng sau cánh cổng bệnh viện.

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 3.

Thế nhưng ở giữa tâm dịch, các nhân viên y tế của Bệnh viện C Đà Nẵng vẫn giữ được sự lạc quan, quyết tâm chiến thắng COVID-19. Trong thời gian giải lao hiếm hoi, bác sĩ Nguyễn Quý Thiện (khoa Nội tiết tiêu hóa, bệnh viện C Đà Nẵng) đã thể hiện ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu phổ nhạc từ bài thơ của cô giáo Uyển như để nhấn mạnh thông điệp: "Ở trong kia tất cả sẽ yên bình. Ở ngoài này màu nắng sẽ lung linh...".

Đoạn clip bác sĩ Thiện ngân nga hát được đăng tải trên trang cá nhân của bác sĩ Thế và lập tức gây bão trên mạng xã hội khi lan tỏa tới hàng triệu con tim tinh thần kiên cường của những chiến binh áo trắng tại "điểm nóng" Đà Nẵng. Thậm chí rất nhiều bản cover của ca khúc đã được chia sẻ trên các trang mạng.

VIDEO Bác sĩ Thiện thể hiện ca khúc "Đà Nẵng ngày bão dông"trên trang cá nhân của bác sĩ  Thế đã gây sốt trên mạng xã hội

Suốt 14 ngày phong tỏa, cuộc sống bên trong Bệnh viện C Đà Nẵng là những câu chuyện cảm động, chan chứa tình người. Hơn 1.000 người gồm đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện C Đà Nẵng đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn, xem nơi đây như ngôi nhà của mình.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ y tế còn kiêm luôn là "anh nuôi" đi đến từng tận giường bệnh phát từng hộp cơm, gói cháo, từng chai nước uống và những gói quà mà mạnh thường quân từ bên ngoài gửi vào. Họ thật ân cần và chu đáo như thể chính là người thân của bệnh nhân.

Tất cả bệnh nhân, nhân viên y tế, hộ lý, điều dưỡng đều không phải là họ hàng nhưng đều coi nhau như người nhà ruột thịt. Những câu chuyện cảm động và tính nhân văn đầy tình người nơi đây đã nhân lên niềm tin về một ngày mai tươi sáng.

0h ngày 8/8, lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, cổng Bệnh viện C Đà Nẵng đã được mở trở lại trong niềm vui của các y bác sĩ và bệnh nhân.

Đúng 0h ngày 8/8, sau 14 ngày nỗ lực chung tay của những con người nơi đây, Bệnh viện C Đà Nẵng đã chính thức dỡ phong tỏa. Và những dòng xúc động trong tâm thư bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng gửi gắm những người đồng nghiệp như giãi bày những tâm sự chất chứa suốt thời gian khó khăn đã qua:

"14 ngày bệnh viện bị phong tỏa cũng trôi qua. Nhưng trong 14 ngày đó, có nhiều thời điểm chúng ta đã sống, làm việc mà không hề nhớ là ngày thứ mấy! Chỉ biết rằng chúng ta sát cánh bên nhau như trong một gia đình, ở đó có đầy đủ sự cảm thông, đồng cam cộng khổ từ mỗi việc lớn nhỏ trong ngày. Chúng ta đã cùng nhau nhẫn nại để mài viên ngọc sáng về lương tâm, tri thức, đạo đức, trách nhiệm của ngành y….

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 6.

Vậy, hãy về với gia đình và nhanh chân trở lại anh chị em nhé! Tìm một ánh nhìn gần gũi, nghe một vài lời yêu thương, hít thở chút không khí gia đình ấm áp (nhưng vẫn khẩu trang, cách giãn và tuân thủ rửa tay... Hãy "riêng và luôn riêng" để bảo vệ gia đình mình!).

Bệnh viện đang đợi, người bệnh đang chờ! Chúng ta hãy trở lại bên nhau như đã từng là một gia đình, mỗi người góp một tay để ngày kết thúc cuộc chiến chống COVID-19 này chóng đến hơn. Chúng ta sẽ cùng nhau tái thiết, chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, tự tin làm tốt việc phải làm để đảm bảo Bệnh viện C Đà Nẵng trở thành điểm đến an toàn cho người bệnh, cho chính chúng ta.

Trân quý tất cả sự hy sinh, cống hiến của mỗi người hôm qua, hôm nay và ngày mai vì bình yên cho thành phố này!".

Chia sẻ với phóng viên VTV, bác sĩ Nguyễn Trọng Thiện cũng nhấn mạnh rằng, việc dỡ phong tỏa đã kết thúc một giai đoạn mang tính lịch sử đối với bệnh viện nhưng cũng đồng thời "mở ra một chương mới mà ở đó mình phải bắt đầu lại, mình phải quyết tâm với một động lực mới mẻ hơn".

Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng nhớ lại, trong thời gian phong tỏa, có một bài viết đọc trên loa rằng: "Đà Nẵng sẽ không bỏ lại ai phía sau. Có nghĩa là trong cuộc chiến này, chúng tôi đã đi cùng nhau, cùng nắm tay nhau vượt qua được. Cái khó của mình chưa chắc đã khó bằng những anh em đồng nghiệp khác. Nhìn những hình ảnh xúc động của các anh em đồng nghiệp thì công sức của chúng tôi vẫn chưa là gì".

Hình ảnh những y bác sĩ kiệt sức, phải truyền nước tại Đà Nẵng được ca sĩ Quang Hào chia sẻ đã gây xúc động mạnh đối với dư luận

Như chia sẻ trong bức tâm thư, những đồng nghiệp của bác sĩ Thiện ở khắp các bệnh viện ở Đà Nẵng đều đang chiến đấu hết mình: Bệnh viện Đà Nẵng vẫn còn đang cách ly và chưa thể "sạch" nhanh chóng bởi tính chất lây nhiễm phức tạp; Bệnh viện Hoàn Mỹ, Hải Châu, Cẩm Lệ đang bị phong tỏa hoàn toàn; Các bệnh viện tư nhân và bệnh viện quận còn lại đều đang quá tải; Bệnh viện huyện Hòa Vang đã trở thành bệnh viện dã chiến đầu tiên điều trị bệnh nhân COVID-19; Trung tâm cấp cứu 115 vắt đến kiệt sức để đáp ứng vận chuyển bệnh nhân; Đội ngũ y tế dự phòng, xét nghiệm, giám sát tuy vết F1, F2 làm việc gấp nhiều lần công suất để kiểm soát dịch lan tràn trong cộng đồng. Ai cũng đã làm hơn cả sức mình, thật đáng ngưỡng mộ!

Và thật xúc động khi sau 14 ngày chiến đấu với COVID-19, bác sĩ Thiện tiếp tục khẳng định: Nếu như các bệnh viện khác cần, bệnh viện C sẵn sàng tăng cường.

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 8.

Hình ảnh các y bác sĩ tại tâm dịch Đà Nẵng, Quảng Nam quay cuồng để chặn dịch, thậm chí có người kiệt sức đã lay động trái tim hàng triệu người. Trước vất vả của đồng nghiệp, ngay lập tức nhiều địa phương đã đáp lời, cử y bác sĩ hỗ trợ tuyến đầu.

Ngày 28/7, cộng đồng mạng đồng loạt chia sẻ bức ảnh y bác sĩ được chụp từ phía sau đang sải bước gấp gáp và đầy quyết tâm tại hành lang một bệnh viện ở Đà Nẵng kèm những dòng chú thích: "Những anh hùng áo trắng chống dịch COVID-19!".

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 9.

Đó chính là hình ảnh đội ngũ các y bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai từng chữa trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 đặt chân đến Đà Nẵng để chung tay chiến đấu với dịch bệnh. Đông đảo người dân đã bày tỏ lòng xúc động, biết ơn, gửi lời cổ vũ các y bác sĩ và cảm ơn người đã chụp bức ảnh này.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Y tế đã cử đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm chuyên môn cao nhất trên nhiều lĩnh vực từ điều trị hồi sức, thận nhân tạo, tim mạch, từ các BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh... đến tăng cường hỗ trợ cho Đà Nẵng.

Nếu như Bệnh viện Bạch Mai đã cử gần 40 giáo sư, bác sĩ là các chuyên gia đầu ngành thì Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cử 6 đội phản ứng nhanh của bệnh viện tới Đà Nẵng hỗ trợ các đồng nghiệp ở tiền tuyến.

Dòng chữ BS Linh - CR là cách để các bác sĩ ở vùng tâm dịch nhận ra nhau. Trong những bộ đồ bảo hộ kín mít và phải thay hàng ngày, cách nhanh nhất, đơn giản nhất là dùng bút màu viết tên lên áo.

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 10.

Dòng chữ BS Linh - CR là cách để các bác sĩ ở vùng tâm dịch nhận ra nhau giữa những bộ đồ bảo hộ kín mít

Người bác sĩ tên Linh ấy chính là Trần Thanh Linh (Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy) người mang biệt danh "Bác sĩ 91" khi góp sức cứu sống bệnh nhân nam phi công người Anh. Và bây giờ, anh lại đang cùng đồng nghiệp của mình chi viện cho Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Anh tự nhận bản thân mình đã trải qua nhiều trận chiến như cứu chữa nạn nhân trong vụ sập cầu ở Cần Thơ năm 2007, chống dịch Bạch hầu ở Kon Tum, cứu chữa cho bệnh nhân phi công người Anh số 91, tuy nhiên, bước vào cuộc chiến chống COVID-19 tại Đà Nẵng, anh mới thấy trận đánh này là cam go hơn tất cả.

VIDEO Cận cảnh các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng căng mình điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Chia sẻ về hoạt động của nhóm, bác sĩ Trần Thanh Linh cho biết: "Mỗi sáng, nhóm có mặt tại bệnh viện lúc 7h30. Sau buổi giao ban nhanh về chuyên môn với bác sĩ trực, ê-kíp bắt tay ngay vào việc chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân. Buổi cơm trưa thường được 'ăn nhanh' sau 13h rồi chúng tôi nhanh chóng cùng các đồng nghiệp tại Đà Nẵng theo dõi, chăm sóc bệnh nhân, khi rời khỏi bệnh viện cũng là sau 20h mỗi ngày".

"Để hỗ trợ chuyên môn cho đồng nghiệp và đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, mỗi đêm đều có bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên xét nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy ở lại trực. Chuyện lên đường trong đêm cấp cứu cho bệnh COVID-19 nặng từ các Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện Ung Bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Hòa Vang... cũng là hoạt động thường xuyên của 11 thành viên đội phản ứng nhanh Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng".


Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 13.

Chịu trách nhiệm điều phối đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam và trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, BS CK2 Huỳnh Quang Đại - khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: "Ở đầu chiến tuyến cùng các đồng nghiệp dù có nhiều vất vả bởi không chỉ làm công tác điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân mà áp lực trước nguy cơ lây nhiễm là không nhỏ, nhưng mọi người luôn động viên nhau cùng lạc quan, vui vẻ và quyết tâm đồng sức, đồng lòng để vượt qua đại dịch này".

Đến nay tại tâm dịch những y bác sĩ tinh nhuệ nhất về xét nghiệm, điều trị, giám sát dịch tễ đã có mặt, ngày đêm nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. Hy vọng với nỗ lực của các y bác sĩ và toàn ngành Y tế và sự chung sức của toàn xã hội, chỉ trong thời gian ngắn nữa, khu vực cấp cứu của bệnh viện sẽ trở lại trạng thái bình thường, không còn bóng dáng của dịch bệnh đang hoành hành.

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 14.

Cuộc chiến với COVID-19 không chỉ tốn công sức, tiền bạc… mà có khi còn phải đánh đổi bằng chính sự an toàn của những bác sĩ đang ngày đêm giành giật lại cuộc sống cho bệnh nhân. Đã có những đồng nghiệp của họ bị nhiễm bệnh nhưng những thách thức đó chỉ làm thổi bùng lên quyết tâm phải đầy lùi dịch bệnh thật nhanh.

Những câu chuyện xúc động từ nơi điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 rất nặng đã cho thấy cuộc chiến với COVID-19 cam go, khốc liệt như thế nào và càng thấu hiểu hơn sự hi sinh của những y bác sĩ, nhân viên y tế đang tình nguyện làm việc tại đây.

Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, những chiến sĩ blouse trắng ngày càng vất vả để giành giật sự sống cho các bệnh nhân và ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan...

Theo 1 thống kê chưa đầy đủ hồi tháng 3 vừa qua, có tới 90.000 bác sĩ, 125.000 điều dưỡng cả nước đã được điều động tham gia chống dịch COVID-19. Lực lượng bác sĩ, y tá về hưu, trung cấp y khoa... cũng được tính đến trong bài toán về nhân lực y tế.

Từ sáng sớm tới đêm khuya, công việc của các y, bác sĩ… luôn không ngưng nghỉ. Trong khi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 chưa biết bao giờ kết thúc. Họ là những anh hùng thầm lặng, hy sinh không chỉ thời gian, công sức, thậm chí là cả tính mạng để đem lại cho bệnh nhân cơ hội sống.

Hiện, công tác chăm sóc, điều trị cho các trường hợp mắc COVID-19 tại các bệnh viện, nhất là nơi tuyến đầu, rất áp lực. Nhưng vì trách nhiệm với cộng đồng, đội ngũ y bác sĩ của chúng ta vẫn đang nỗ lực tập trung với tinh thần cao nhất, nỗ lực điều trị, cứu sống bệnh nhân và ngăn chặn dịch lây lan rộng ra cộng đồng.

Và rồi, đã có những y bác sĩ mắc COVID-19 trong thời điểm đang làm nhiệm vụ...

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có hướng gia tăng và diễn biến phức tạp như hiện nay, bảo vệ các nhân viên y tế đang trực tiếp tham gia chống dịch là vấn đề cấp thiết. Bởi "Bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta"!

Để tiếp sức cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu, Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) - Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng VitaDairy phát động Chiến dịch "Bảo vệ y bác sĩ 24h". Toàn bộ số tiền từ hoạt động trên sẽ được VitaDairy sử dụng để mua trang phục bảo hộ Dupont Tyvek và thực phẩm bổ sung ColosIgG 24h giúp tăng cường miễn dịch để trao cho Bộ Y tế chuyển đến đội ngũ các y bác sĩ tại các điểm nóng về COVID-19 trong cả nước.

Dù chưa đến thời hạn kết thúc chiến dịch nhưng nhận thấy việc bảo vệ các y bác sĩ trong thời điểm này là hết sức cấp thiết, VitaDairy vừa tiếp tục trao tặng 5 tỷ đồng cho  Bộ Y tế.

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 15.

VitaDairy và VTV Digital trao tặng 5 tỷ đồng tiền mặt từ Chiến dịch "Bảo vệ y bác sĩ 24h" tại Bộ Y tế

Thông qua công đoàn ngành y tế, số tiền 5 tỷ đồng sẽ được sử dụng như sau:

- 3 tỷ đồng dùng để mua vật tư, trang thiết bị bảo hộ y tế.

- 1 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ các y bác sĩ từ địa phương khác được điều động về vùng dịch.

- 1 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ bữa ăn cho các y bác sĩ tại các vùng tâm dịch.

Phát biểu tại buổi tiếp nhận, GS.TS Nguyễn Thanh Long hoan nghênh và cảm ơn VTV Digital và công ty VitaDairy đã phát động một chiến dịch đầy tính nhân văn và ý nghĩa, là nguồn động viên tinh thần và nguồn hỗ trợ vật chất lớn đối với cán bộ y bác sĩ đang tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Sự hỗ trợ và những hoạt động tích cực của chiến dịch đã và đang góp phần cùng ngành Y tế, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước từng bước đẩy lùi dịch COVID-19.

Như vậy, kể từ khi VTV Digital và VitaDairy phát động chiến dịch "Bảo vệ y bác sĩ 24h" vào ngày 1/8/2020 đến nay, tổng số tiền VitaDairy ủng hộ cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch là 7 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa VitaDairy Việt Nam cho biết: Chúng tôi luôn ý thức về trách nhiệm của mình với cộng đồng và xã hội. Đối với VitaDairy, chúng tôi đảm bảo công việc cho hơn 1.000 cán bộ nhân viên trong giai đoạn khó khăn. Với cộng đồng, VitaDairy hiểu rằng: Trước đại dịch, tuyến y tế sẽ phải được chú trọng bảo vệ đầu tiên, vì cán bộ y tế an toàn thì mới có một cộng đồng khỏe mạnh. Do vậy, chúng tôi luôn nỗ lực hết sức mình để mang lại những dinh dưỡng tốt nhất cho cộng đồng phòng tránh dịch cũng như kêu gọi mọi người lan tỏa thông điệp "Bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta".

Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 16.
Hãy bảo vệ y bác sĩ để y bác sĩ bảo vệ chúng ta! - Ảnh 17.

Mỗi bài đăng hợp lệ được đăng tải từ ngày 1/8/2020 với đủ 2 bước trên, VitaDairy sẽ tiếp tục thay bạn đóng góp 10.000 đồng vào chiến dịch “Bảo vệ y bác sĩ 24h” do VitaDairy và VTV Digital phát động.

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước