VTV.vn - Thế giới của cha mẹ chính là con nhưng khi trưởng thành, con lại thường bận rộn với thế giới bao la rộng lớn ngoài kia...
Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 1.
Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 2.

Thời gian mỗi ngày dường như không đủ cho những bộn bề, lo toan thường ngày của cuộc sống nên nhiều người ít có khoảng trống để quan tâm, yêu thương bố mẹ mình. Với những người con làm ăn ở thành phố, xa bố mẹ, dịch COVID-19 đã khiến họ rất nhiều tháng, thậm chí cả năm không thể về thăm bố mẹ, bố mẹ cũng không thể gặp con cháu. Lý do dịch bệnh, giãn cách xã hội khi đó, chúng ta không thể làm gì khác. Tuy nhiên sau một mùa dịch ảm đạm, mỗi người lại hối hả trở lại với guồng quay cuộc sống, theo đuổi dự án, công việc và vô vàn thứ quanh ta. Vô tình, sự hối hả đó cũng khiến ta quên mất những cuộc điện thoại trò chuyện cùng cha mẹ, kéo ta rời xa khỏi những bữa cơm nhà…

Nếu đã từng yêu thì ai cũng đều cảm nhận được sự nhớ nhung, thậm chí khắc khoải khi lâu ngày không gặp người yêu. Và ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, yên lòng khi được nghe giọng nói quen thuộc ở đầu dây điện thoại bên kia. Cha mẹ chúng ta cũng vậy. Họ luôn ngóng chờ cuộc gọi từ con, muốn được nghe tiếng con dù đôi khi chỉ là vài câu hỏi thăm, lời dặn dò thường ngày. Họ luôn mong chờ con cháu trở về, chờ những bữa cơm sum vầy đầy tiếng cười.

Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 3.

Anh Hoàng Ngọc Tuyền, hiện đang làm việc tại Quảng Ninh, cách nhà hơn 200 km chia sẻ: "Dù chưa có vợ con nhưng mình thừa nhận là công việc rất bận nên không chỉ không về quê thăm bố mẹ được, mà có khi cả tuần cũng quên không gọi điện. Bố mẹ già không biết sử dụng điện thoại, mỗi lần muốn gọi cho con trai lại sang nhà hàng xóm nhờ bấm giúp". Sau mỗi lúc ấy, anh Tuyền chợt thấy áy náy, có lỗi và tự hỏi ‘Liệu mình đã dành đủ yêu thương, chăm sóc cho bố mẹ hay chưa?’, nhất là khi sức khỏe bố mẹ cũng đang dần yếu, không có nhiều thời gian để chờ chúng ta mãi…

Về chủ đề này, thạc sĩ tâm lý Mai Quyên từng chia sẻ trong chương trình Ngày mới tươi đẹp phát sóng trên kênh VTV8, việc phụng dưỡng cha mẹ già là một nét văn hóa truyền thống của người Việt với tâm lý "trẻ cậy cha, già cậy con". Chị cho rằng, người già không có nhu cầu vật chất nhiều nữa, mà thay vào đó là thái độ của con cái, đôi khi họ chỉ cần một cuộc điện thoại, một sự vỗ về.

Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 4.

Ai rồi cũng về già nhưng tuổi già cũng có những nỗi niềm mà không phải ai cũng hiểu: tuổi cao, sức khỏe yếu dần, không còn minh mẫn... Cuộc sống hiện đại tạo ra khoảng cách về thế hệ từ thói quen sinh hoạt, chế độ dinh dưỡng, tâm lý… "Tâm lý người già đôi khi chuyển biến theo hướng khó hơn, đôi khi chuyển biến theo hướng dễ hơn nên con cái phải là người đi bên cạnh ba mẹ để phát hiện những chuyển biến đó, để có cách tương tác tốt hơn với ba mẹ" - Thạc sĩ Quyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, với người cao tuổi, sức khỏe là quan trọng nhất. Người cao tuổi nước ta thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trung bình mỗi người mắc 3 bệnh, họ luôn phải đối diện với nguy cơ lão hoá cao. Ba mẹ dành phần lớn thời gian để chăm sóc con cái, gia đình, lo toan công việc nên nhiều khi họ cũng quên mất việc chăm sóc bản thân mình. Vì thế, con cháu cần quan tâm cả sức khỏe tinh thần và sức khỏe thể chất đối với ông bà, cha mẹ mình, đặc biệt là sau COVID-19.

Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 5.

Có một sự thật là tình yêu thương và sự hy sinh vô bờ của cha mẹ dành cho những đứa con từ bao đời nay không thay đổi, nhưng với lý do công việc và muôn vàn lý do khác nhau, đôi khi chính chúng ta lại bỏ quên bố mẹ ở đằng sau. Đôi khi chúng ta chưa đủ yêu thương hoặc chưa biết cách thể hiện sự yêu thương dành cho bố mẹ. Và đôi khi, chúng ta lại luôn để bố mẹ phải ngóng chờ…

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 7.
Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 8.

Ngày Vu lan năm nay, gia đình của ông Bùi Viết Khảm và bà Hoàng Thị Thìn (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) rôm rả vì có mặt đông đủ con cháu. Sự hiếu kính của các con các cháu không chỉ đến những ngày này mà đều được nhắc nhau hằng ngày. Ai cũng hiểu niềm vui sức khỏe của ông bà cũng chính là niềm hạnh phúc của gia đình.

Anh Bùi Xuân Hùng, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Chúng tôi luôn chăm lo sức khỏe của bố mẹ, bản thân và gia đình. Đặc biệt là sau mùa dịch này thấy bố mẹ vẫn khỏe mạnh, các anh chị, các cháu vẫn khỏe mạnh, gia đình chúng tôi có những buổi tiệc quây quần hạnh phúc. Chúng tôi luôn luôn động viên nhau để giữ gìn sức khỏe, động viên ông bà tập thể dục, ăn uống lành mạnh. Giữ gìn sức khỏe tốt hơn".

Hậu COVID-19 và lớn tuổi, ông Khảm - bà Thìn cũng gặp nhiều vấn đề sức khỏe nên con cháu trong nhà như chị Bùi Thị Lơ Hải đều ân cần chú ý từng thức ăn, thức uống. Chị Hải bộc bạch: "Dịch bệnh nói chung, mình cũng phải giữ gìn nhiều hơn. Ông bà có bệnh nền nên càng phải cẩn trọng hết sức và cẩn thận hơn trong chế độ dinh dưỡng".

Ông Khảm - bà Thìn có bệnh nền nên con cháu cẩn thận hơn trong chế độ dinh dưỡng.

Sự hiếu thuận luôn được các thế hệ trong gia đình ông Khảm – bà Thìn làm gương cho nhau "Như cây có cội, như sông có nguồn". Bà Hoàng Thị Thìn chia sẻ: "Điều mà chúng tôi học được từ các cụ, bố mẹ dạy dỗ chúng tôi như thế nào thì chúng tôi cũng lấy điều đó, kinh nghiệm đó để dạy cho con cháu".

Ông Bùi Viết Khảm chia sẻ: "Hàng ngày mỗi người một công việc khác nhau nhưng con cháu đều quan tâm. Đó là truyền thống của người Việt Nam mình. Con cháu bao giờ cũng báo hiếu nên ông bà dù lớn tuổi rồi cũng rất vui".

Ông Khảm - bà Thìn vui vầy bên con cháu.

Chia sẻ trong chương trình Bốn mùa yêu thương phát sóng trên kênh VTV2, NSƯT Đức Khuê bộc bạch: "Các cụ nói ‘nước chảy xuôi’. Bố mẹ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng con cái không bao giờ có thể kể hết được". Anh đồng tình với quan điểm trong gia đình cần có sự sẻ chia, quan tâm và hiểu tâm lý của người cao tuổi: "Văn hóa của người phương Đông là sự quan tâm. Như thế, mình sẽ thấy hạnh phúc và những người thân yêu của mình cũng hạnh phúc".

Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 12.

Trong khi đó, với anh Lê Minh Đức (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội), sự quan tâm của anh dành cho bố mẹ không chỉ về sức khỏe, mà còn là việc ăn cơm cùng bố mẹ. "Vì cuộc sống bận rộn nên đôi khi chúng ta lơ là việc chăm sóc bố mẹ. Trong khi người già là đối tượng chịu nhiều tổn thương nhất hậu COVID-19, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay còn nhiều dịch bệnh xuất hiện từ sốt xuất huyết đến cúm mùa. Mà họ thường suy nghĩ nhiều. Vì thế, việc tốt nhất là ít nhất một tuần 1 lần con cái nên ăn bữa cơm cùng cha mẹ. Đợt Vu Lan này cũng là dịp để chúng ta nhìn nhận lại mình đã chăm sóc tốt cho cha mẹ hay chưa" – anh Đức chia sẻ.

Tuy mỗi người có cách thể hiện sự quan tâm cha mẹ khác nhau: Có người quan tâm qua lời nói, người khác lại quan tâm bằng hành động, nhưng họ đều có một điểm chung là yêu thương người thân của mình.

Đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đong đầy - Ảnh 14.
Đinh Hương
Minh Thu

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

X

ĐANG PHÁT

Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước