Bác sĩ gây tê gây mê - Thiếu hay chưa được xem trọng?

Vũ Em-Thứ tư, ngày 03/06/2020 14:29 GMT+7

VTV.vn -Bác sĩ gây tê, gây mê mất 8 năm đào tạo còn cử nhân điều dưỡng học 4 năm chủ yếu để hỗ trợ bác sĩ nhưng điều dưỡng lại làm thay việc bác sĩ, an toàn của sản phụ có đảm bảo?

Gây tê tủy sống cho sản phụ mà không có bác sĩ trong phòng mổ

Gây tê gây mê là phương pháp vô cảm để người bệnh bước vào cuộc phẫu thuật. Vì là một phương pháp nhạy cảm khi người bệnh có thể xảy ra tai biến dẫn đến tử vong bất cứ lúc nào, Bộ Y tế đã ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu đảm bảo an toàn phẫu thuật, trong đó, nhấn mạnh việc gây tê, gây mê phải có bác sĩ chuyên khoa thực hiện. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Tiền Giang, gây tê tủy sống cho sản phụ được thực hiện nhưng không có sự tham gia của bác sĩ trong phòng mổ.

Người thực hiện gây tê tủy sống cho sản phụ là cử nhân điều dưỡng. Công việc này được Quyền Giám đốc bệnh viện xác nhận đã thực hiện lâu nay.

Theo các chuyên gia, việc bệnh viện để cử nhân điều dưỡng gây tê mà không có bác sĩ chuyên khoa trong phòng mổ sẽ nguy hiểm khi cử nhân điều dưỡng không đủ chuyên môn để xử lý khi tai biến xảy ra.

Mặc dù hình ảnh đã rõ ràng việc tổ chức gây tê gây mê cho sản phụ mà không có bác sĩ chuyên khoa trong phòng mổ nhưng tại công văn số 2049 ngày 21/5 của Sở Y tế tỉnh Tiền Giang báo cáo UBND Tỉnh, được một số báo dẫn lời, Sở Y tế cho rằng cử nhân điều dưỡng Lê Thị Phương Lan được phép gây tê tủy sống cho bệnh nhân dưới sự giám sát của bác sĩ Nguyễn Thị Bích Thủy.

Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cũng dẫn lời đại diện Hội gây mê hồi sức Việt Nam rằng "điều dưỡng gây mê hồi sức trực tiếp thực hiện gây mê, gây tê dưới sự giám sát của bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức như trường hợp của Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang là đúng quy định".

Tuy nhiên, những thừa nhận sau đây của Quyền giám đốc Bệnh viện đã mâu thuẫn với sự giám sát mà Sở Y tế tỉnh Tiền Giang báo cáo.

Sau khi xem những hình ảnh điều dưỡng trực tiếp thực hiện các thao tác gây tê cho sản phụ, Giám đốc BV phụ sản Tiền Giang cho rằng đây là việc bình thường. Bệnh viện có bác sỹ nhưng bác sỹ ở bên ngoài và chỉ vào phòng mổ khi có việc cần.

Theo Thông tư 13 của Bộ y tế, nhân lực cho mỗi ca phẫu thuật tối thiểu phải có bác sĩ gây mê, hồi sức.

Và bác sĩ phải là người Luôn có mặt khi gây mê - hồi sức cho người bệnh, trừ trường hợp đã có bác sỹ gây mê - hồi sức khác thay thế sau khi đã bàn giao đầy đủ. (hình mục đ, khoản 2, điều 10).

Tiến sỹ bác sĩ Phan Thị Hồ Hải, Nguyên trưởng khoa gây mê hồi sức bệnh viện Chợ Rẫy, người có hơn 50 năm gây mê hồi sức cho rằng việc tổ chức thực hiện gây tê tủy sống cho sản phụ mà không có bác sĩ trong phòng mổ là sai quy định.

Bởi không ai biết được tai biến nào sẽ xảy ra, không ai có thể lường trước được. Sự việc đã là quá muộn ngay cả khi biết sớm sự việc.

Thực tế, việc để cho điều dưỡng trực tiếp thực hiện gây tê cho sản phụ đã diễn ra nhiều năm ở Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang. Và không phải chỉ 1 mà có 2 cử nhân điều dưỡng đã làm thay việc của bác sĩ. Bảo hiểm Xã hội tỉnh Tiền Giang đã từng có 2 lần cảnh báo bệnh viện về việc này.

Bác sĩ gây tê gây mê - Thiếu hay chưa được xem trọng? - Ảnh 1.

Năm 2018, tổ giám định của BHXH đã phát hiện 40 bệnh án phẫu thuật do 2 cử nhân thực hiện gây mê, gây tê. Năm 2019, tổ giám định phát hiện vẫn còn tình trạng cử nhân thực hiện gây mê, với 9 trường hợp cụ thể được kê danh sách. Những trường hợp này đều không được BHXH thanh toán.

Vậy câu hỏi đặt ra là có hay không việc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang báo cáo sai sự thật cho UBND tỉnh và Hội Gây mê hồi sức Việt Nam về việc cử nhân điều dưỡng được phép gây tê tủy sống dưới dự giám sát của bác sĩ?

Không được phép để điều dưỡng gây tê mà không có bác sĩ trong phòng mổ

Ngoài thông tư 13/2012, một số văn bản khác của Bộ Y tế cũng đã quy định phải có bác sĩ chuyên khoa gây tê gây mê trong một cuộc phẫu thuật như:

- Quyết định số 7482/2018, Bộ Y tế ban hành các tiêu chí đánh giá an toàn phẫu thuật đã đưa yêu cầu có bác sĩ gây tê, gây mê khám tư vấn trước khi gây tê gây mê.

- Năm 2019, trước những tai biến sản khoa xảy ra liên tục, Bộ Y tế cũng đã ban hành công văn số 4519/2019 yêu cầu "Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ sản khoa và bác sĩ gây mê hồi sức. Sản phụ cần được bác sĩ gây mê hồi sức khám kỹ trước khi áp dụng phương pháp vô cảm, chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống cấp cứu có thể xảy ra.

Như vậy, việc để cử nhân điều dưỡng gây tê mà không có bác sĩ trong phòng mổ không chỉ trái với quy định tại thông tư 13/2012 mà còn không tuân thủ các yêu cầu của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Vì sao người thực hiện gây tê, gây mê phải bắt buộc là bác sĩ?

Khi được đưa vào phòng mổ, theo nguyên tắc phải có 1 bác sĩ gây mê và 1 kỹ thuật viên gây mê. Kỹ thuật viên kiểm tra thủ tục hành chính và lấy đường truyền, chuẩn bị thuốc men dụng cụ máy móc trang thiết bị gây mê, gây tê. Bác sĩ sẽ trực tiếp thực hiện khởi mê hay khởi tê.

Trong khi đó, công việc chính cử nhân điều dưỡng chuyên khoa gây mê hồi sức là phụ giúp bác sĩ để có được một cuộc gây mê gây tê an toàn, không phải là người trực tiếp gây tê hay gây mê.

Bác sĩ Lưu Chính Khương, người có nhiều năm vừa là Trưởng khoa Gây mê hồi sức vừa dạy tại Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, có sự khác nhau rất lớn về kiến thức giữa bác sĩ gây tê gây mê và cử nhân gây tê, gây mê.

Bác sĩ gây tê gây mê trước hết là bác sĩ đa khoa được đào tạo 6 năm về hệ điều trị, sau đó học lên chuyên khoa gây mê hồi sức với các cách xử lý tai biến và sau 18 tháng thực hành mới lấy được chứng chỉ để ra làm. Trong khi đó, cử nhân điều dưỡng có 4 năm đào tạo chủ yếu về chăm sóc, hỗ trợ bác sĩ gây tê, gây mê. Do đó, kỹ thuật viên chỉ có thể theo dõi, thực hiện những thao tác đơn giản nhưng những trường hợp phức tạp kèm bệnh lý như cao huyết áp tiêu chảy và như nhồi máu cơ tim…, chỉ có bác sĩ gây mê hồi sức mới xử trí được.

Như vậy, vị trí nào cũng rất quan trọng và quan trọng là đứng đúng vị trí của mình. Khi một vị trí khuyết hay tổ chức không đúng quy trình, bất trắc có thể xảy ra và sự nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh.

Coi trọng bác sĩ gây tê gây mê chính là coi trọng mạng sống của bệnh nhân

Để đảm bảo đúng quy trình và đúng những quy định pháp luật đặt ra có bác sĩ chuyên khoa khi gây tê, gây mê. Theo các chuyên gia, vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực là hết sức quan trọng. Thông tư 13 đã ban hành được 8 năm, nhiều địa phương cũng đã chuẩn bị sớm nguồn nhân lực để thực hiện đúng quy định.

Chỉ riêng trong tháng 11/2019, Việt Nam đã liên tiếp xảy ra các tai biến sản khoa. Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các địa phương phải đảm bảo về nhân lực cấp cứu khi tai biến xảy ra, trong đó nhấn mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ gây mê hồi sức và bác sĩ phẫu thuật khi gây tê tủy sống cho sản phụ.

Chính vì vậy, theo đại diện Hội Gây mê hồi sức Việt Nam, các bệnh viện phải đảm bảo có bác sĩ gây mê, gây tê trong các cuộc phẫu thuật

Theo các chuyên gia, một ca phẫu thuật người bệnh có thể xảy ra biến chứng bất cứ lúc nào. Các quy định suy cho cùng cũng để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Do vậy, xem trọng vai trò của bác sĩ gây mê gây tê không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà quan trọng hơn cả là xem trọng tính mạng của người bệnh.

Mặc dù rõ ràng quy định đã có đủ, một số địa phương cũng đã áp dụng tốt, thậm chí còn có tổ chức đào tạo sớm hơn. Vậy nhưng vẫn còn những nơi tổ chức gây tê cho sản phụ mà không có bác sĩ trong phòng mổ, điều này cần được nghiêm túc xem lại để đảm bảo sự an toàn cho các sản phụ.

Vụ điều dưỡng thay bác sĩ gây tê cho sản phụ: Bệnh viện khẳng định 'kỹ thuật viên đại học, thao tác điêu luyện' Vụ điều dưỡng thay bác sĩ gây tê cho sản phụ: Bệnh viện khẳng định "kỹ thuật viên đại học, thao tác điêu luyện"

VTV.vn - Quyền Giám đốc Bệnh viện Phụ sản tỉnh Tiền Giang khẳng định, điều dưỡng thay bác sĩ thực hiện gây tê cho sản phụ là kỹ thuật viên đại học, có kỹ thuật điêu luyện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước