Theo số liệu do Asymco cung cấp, Symbian đạt mốc 450 triệu người sử dụng sau 44 quý (11 năm). BlackBerry đạt lượng người dùng 225 triệu trong khoảng thời gian 43 quý, trong khi đó, lượng người dùng Windows Mobile trong 30 quý đạt 72 triệu người.
Khi thị trường smartphone bắt đầu bùng nổ, chỉ sau 23 quý từ khi được Apple công bố ra mắt, iOS đã đạt mốc 700 triệu người dùng. Con số này đã được xem là ấn tượng cho sự phát triển của 1 nền tảng di dộng. Tuy nhiên, mọi con số đều trở nên khiêm tốn khi đem so sánh với Android. Android chỉ mất 20 quý (5 năm) để có được 1 tỷ người dùng.
Ngày 23/9/2008 đánh dấu sự ra đời của bộ công cụ Android 1.0 SDK. 5 năm sau, với sự phát triển mạnh mẽ, Android trở thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới. Nền tảng này đã từng bước thay đổi bộ mặt cho ngành sản xuất thiết bị cầm tay.
Nhiều chuyên gia phân tích thị trường nhận định, mức tăng trưởng của Android khiến cho bất kỳ 1 nhà sản xuất công nghệ nào cũng phải ao ước. Android cũng được xem là sản phẩm có sự phát triển nhanh nhất trong lịch sử ngành công nghệ.
Chiếc điện thoại Android đầu tiên có mặt trên thị trường muộn hơn thời điểm Apple tung ra iPhone đầu tiên 1 năm, tuy nhiên, nền tảng di động của Google đã có tác động lớn hơn rất nhiều trên thị trường di động thế giới so với những gì iOS của Apple làm được.
Bằng chứng là, sau khi chiếc T-Mobile G1 đầu tiên ra mắt vào năm 2008, trong 5 năm qua, đã có hơn 1 tỷ thiết bị Android được kích hoạt. Android có mặt trên mọi thiết bị như điện thoại, máy tính bảng, TV, máy ảnh, TV Box... và chưa có dấu hiệu thu hẹp sự hiện diện của mình.
Android đã chứng minh được tiện ích của một nền tảng mã nguồn mở mang lại. Vì thế, nền tảng này là sự lựa chọn của số đông các hãng công nghệ trên thế giới. Chính yếu tố này đã giúp Android trở thành sản phẩm công nghệ có sức phát triển mạnh mẽ nhất.