Người dân xếp hàng mua thực phẩm tại một cửa hàng ở Tokyo. (Ảnh: AFP)
Trong khi đó, giá cả sinh hoạt tăng lên khiến người dân đất nước mặt trời mọc ngày càng thắt chặt chi tiêu.
Chị Matama, 28 tuổi là một bà nội trợ đang sống ở Thủ đô Tokyo. Chị Matama cho biết mức lương tháng khoảng 300 nghìn yên của chồng chị là nguồn thu nhập duy nhất của cả gia đình. Việc tăng thuế mới đây của Chính phủ khiến cuộc sống của gia đình chị càng trở nên khó khăn hơn, khi mà giá cả mọi thứ đều leo thang. Việc tiết kiệm tiền hàng tháng gần như là không thể.
Chị Matama, người dân Tokyo cho biết: “Bây giờ chúng tôi phải ăn ở nhà, thay vì đến nhà hàng vào mỗi cuối tuần. Mỗi tháng chúng tôi phải cố gắng chỉ chi tiêu dưới 60.000 yên cho thực phẩm thôi. Tôi cũng chuẩn bị sẵn cơm hộp cho chồng mang đi làm để tiết kiệm chi phí. Bởi vì thuế tăng mà thu nhập của gia đình vẫn không thay đổi nên chúng tôi phải cố gắng quản lý tiền nong tốt hơn“.
Không chỉ các hộ gia đình, mà ngay cả doanh nghiệp Nhật Bản cũng bị ảnh hưởng bởi tăng thuế tiêu dùng.
Chị Mu Hua là một người Nhật gốc Hoa, đang điều hành một nhà hàng ở Nhật Bản. Chị cho biết đồng yên mất giá đã khiến chi phí hoạt động của nhà hàng tăng lên đáng kể do các nhiên liệu được sử dụng trong nhà hàng đều được nhập khẩu.
Chị Mu Hua, chủ nhà hàng tại Nhật Bản cho biết: “Tất cả các nhà cung cấp đều đã tăng giá đến 3%. Đây là một sức ép lớn đối với chúng tôi. Thuế tăng khiến chi phí vận hành cũng tăng, trong khi chính phủ lại đánh thuế doanh thu 3% với chúng tôi. Bởi vậy, chúng tôi đang phải chịu gánh nặng chi phí gấp đôi”.
Từ ngày 1/4, Nhật Bản bắt đầu áp dụng mức thuế tiêu dùng mới là 8%, lần đầu tiên trong vòng 17 năm qua. Đây là bước đi đầu tiên trong kế hoạch tăng thuế lên mức 10% vào năm 2015 của Chính phủ Nhật Bản nhằm kiềm chế mức nợ công khổng lồ của nước này. Theo ước tính, việc tăng thuế sẽ giúp nền kinh tế Nhật Bản huy động được khoảng 50 tỷ USD trong năm đầu tiên.