Thế giới tiếp tục bất đồng về vấn đề Syria

Úy Thương-Thứ hai, ngày 26/08/2013 20:00 GMT+7

Kết quả của cuộc điều tra mà các thanh sát viên LHQ tiến hành tại Syria được xem là cơ sở để cộng đồng quốc tế cân nhắc về giải pháp tiếp theo cho cuộc nội chiến kéo dài suốt gần 3 năm qua tại quốc gia này.

Tuy nhiên, quan điểm của các nước trong vấn đề này vẫn đang bị chia rẽ một cách sâu sắc. Một bên đang ra sức vận động cho một hành động can thiệp quân sự vào Syria với một niềm tin gần như chắc chắn rằng chính quyền Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường, còn một bên đưa ra những cảnh báo về hậu quả khôn lường nếu hành động vội vàng và thiếu cân nhắc.

Thường dân Syria đang được điều trị tại một trung tâm y tế ở Damascus sau vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học mà phe đối lập cáo buộc do Chính phủ Syria thực hiện. (Ảnh: Reuters)

Trong một phản ứng trước việc các thanh sát viên LHQ được tiếp cận các khu vực nghi ngờ có sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, Ngoại trưởng Anh William Hague đã chỉ trích chính phủ Syria về việc đã chần chừ quá lâu trong việc đưa ra quyết định này, đồng thời tỏ ý nghi ngờ rằng những chứng cứ về vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học gây ra cái chết của hơn 1.000 người tại ngoại ô Damascus hôm 21/8 đã bị xóa dấu vết. Với lời khẳng định rằng chính quyền Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công dân thường, Ngoại trưởng Hague cũng kêu gọi thế giới cần phải hành động.

Ông William Hague, Bộ trưởng Ngoại giao Anh cho biết: "Một điều rất quan trọng là cần phải có một phản ứng mạnh mẽ đối với bất kỳ ai tàn sát dân thường của đất nước mình hay công dân của bất kỳ quốc gia nào và việc sử dụng vũ khí hóa học là hành động vượt qua ranh giới đỏ và thế giới cần phải đáp trả khi ranh giới này bị vượt qua".

Ông Hague thậm chí còn cho rằng một hành động có thể được thực hiện không cần sự thông qua của LHQ nếu Syria cần có một sự trợ giúp về nhân đạo khẩn cấp.

Cùng quan điểm với Ngoại trưởng Anh, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng mạnh mẽ đối với chính quyền của Tổng thống Assad, cho rằng không thể bỏ qua sự việc này mà không có những hành động cứng rắn.

Ông Laurent Fabius, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp nói: "Tất cả mọi lựa chọn đều được bỏ ngỏ. Lựa chọn duy nhất mà chúng ta không thể tưởng tượng được là không làm gì cả".

Trái ngược với quan điểm của các quốc gia phương Tây, Nga đã cảnh báo các nước phương Tây không được lặp lại kịch bản Iraq tại Syria. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Lukashevich cho rằng sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu các thế lực bên ngoài tìm cách bóp méo kết quả điều tra của LHQ để lấy cớ can thiệp quân sự vào Syria.

Giới chức Iran cũng cảnh báo rằng chính Mỹ sẽ phải đối mặt với “những hậu quả khủng khiếp” nếu "vượt qua ranh giới đỏ" để can thiệp quân sự vào Syria.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước