Thế giới phản ứng về những diễn biến chính trị tại Ai Cập

Úy Thương-Thứ sáu, ngày 05/07/2013 19:00 GMT+7

Cuộc chính biến ở Ai Cập cách đây hai ngày đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Là một quốc gia Arab lớn nhất trên thế giới và với vai trò địa chính trị quan trọng của mình, sự ổn định của Ai Cập có một tác động không nhỏ tới tình hình cả khu vực Trung Đông. Chính vì thế, những biến động gần đây tại quốc gia này luôn nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Và cuộc chính biến ở Ai Cập cách đây hai ngày đã nhận được những phản ứng trái chiều từ các quốc gia trong khu vực và thế giới.

‘ Các vụ đụng độ liên tiếp xảy ra sau khi Tổng thống Morsi bị lật đổ. (Ảnh: Dailymail)

Các nước Trung Đông đã thể hiện quan điểm khác nhau trước những diến biến chính trị tại Ai Cập.

Một số quốc gia như Saudi Arabia và UAE từng bày tỏ sự không hài lòng với chính quyền của Tổng thống Morsi do lo ngại ảnh hưởng của Tổ chức Anh em Hồi giáo đối với sự ổn định của đất nước họ, đã nhanh chóng lên tiếng hoan nghênh những đổi thay tại Ai Cập.

Iran và Yemen đã bày tỏ lo ngại trước những diễn biến hiện nay tại Ai Cập và cảnh báo về nguy cơ bùng nổ xung đột và nghiêm trọng hơn là một cuộc nội chiến tại quốc gia Bắc Phi này.

Nhiều nước châu Âu thì đã lên tiếng kêu gọi Ai Cập quay trở lại với dân chủ càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: “Chúng tôi đang theo sát sự kiện này với sự lo lắng. Tôi kêu gọi các phe phái liên quan không sử dụng vũ lực. Vấn đề của Ai Cập chỉ có thể được giải quyết nếu nước này tiến hành đối thoại chính trị càng sớm càng tốt, như vậy dân chủ và luật pháp mới có thể được thực thi sớm”.

Tổng thống Pháp Francois Hollande mặc dù phủ nhận diễn biến vừa qua tại Ai Cập là một cuộc đảo chính, song cũng khẳng định tiến trình dân chủ cần phải quay trở lại.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói: "Cộng đồng quốc tế không chấp nhận sự can thiệp trực tiếp của lực lượng quân sự vào đời sống chính trị và các tổ chức dân sự. Điều này có thế chỉ càng làm gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập. Nếu Ai Cập không nhanh chóng quay trở lại tiến trình dân chủ sẽ là cơ hội cho bạo lực và chủ nghĩa cực đoan lan rộng”.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 4/7 đã ra tuyên bố kêu gọi các bên tại Ai Cập kiềm chế và tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay trong khuôn khổ dân chủ.

Ông Alexander Lukashevich, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng điều quan trọng lúc này là tất cả các lực lượng chính trị tại Ai Cập cần thể hiện sự kiềm chế, hành động vì những lợi ích cao nhất của quốc gia. Họ cần thể hiện mong muốn giải quyết các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế trong khuôn khổ của nền dân chủ, tính tới lợi ích của các tầng lớp nhân dân và các tôn giáo tại Ai Cập”.

Trước tình trạng hỗn loạn và bạo lực ngày càng leo thang tại Ai Cập, đặc biệt là sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi, Chính phủ Nhật Bản hôm nay đã nâng mức độ rủi ro đối với Ai Cập, đồng thời lên tiếng cảnh báo công dân Nhật Bản không nên đi du lịch tới Ai Cập trong thời gian này nếu không cần thiết.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước