Thái Lan: Khủng hoảng chính trị chưa có lối thoát

Hữu Hưng-Chủ nhật, ngày 12/01/2014 19:48 GMT+7

Người biểu tình khiến giao thông ở Bangkok gần như bị tê liệt. (Ảnh: Reuters)

Thủ đô Bangkok của Thái Lan có thể rơi vào tình trạng tê liệt vào ngày mai 13/01 khi lực lượng biểu tình chống Chính phủ tiến hành hoạt động chiếm đóng các nút giao thông quan trọng tại thành phố.

Trong khi đó, giới phân tích nhận định cuộc đối đầu giữa phe đối lập và chính phủ đến nay vẫn chưa có lối thoát trong khi nguy cơ bạo lực gia tăng có thể dẫn đến những tình huống phức tạp khó lường.

Ngã ba Ratchaprasong là một trong 7 nút giao thông quan trọng tại Bangkok sẽ bị những người biểu tình sẽ chiếm đóng vào ngày mai 13/01 trong chiến dịch đóng cửa Thủ đô. Mục đích cuối cùng của những người biểu tình là nhằm lật đổ Chính phủ đồng thời ngăn cản cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn, dự kiến vào ngày 2/2 tới. Chính phủ Thái Lan của Thủ tướng tạm quyền Yingluck một mặt có nhiều nhượng bộ như giải tán Quốc hội, tiến hành bầu cử lại, kêu gọi đối thoại nhưng cũng đã sẵn sàng đối phó với những người biểu tình.

Gần 20.000 binh sĩ cảnh sát và quân đội đã được huy động sẵn sàng cho triển khai ở những điểm nóng như sân bay, nhà ga, trục lộ giao thông chính. Lo ngại lớn nhất là bạo lực có thể xảy ra khi Mặt trận dân chủ chống độc tài UDD của phe áo đỏ thân Chính phủ cũng tuyên bố sẽ tập trung biểu tình trên toàn quốc nhằm đối trọng với cuộc biểu tình của phe đối lập. Theo giới phân tích, một khi bạo lực xảy ra sẽ là cái cớ để quân đội can thiệp.

Tiến sĩ Michael Montesano, chuyên gia nghiên cứu Thái Lan, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: “Điều mà Ủy ban Cải cách dân chủ Nhân dân (do những người biểu tình lập ra) cố gắng làm là kích động bạo lực để buộc quân đội phải can thiệp vào”.

Sự phức tạp chưa dừng lại ở đó. Cuộc bầu cử ở Thái Lan đứng trước nhiều thách thức khi hơn hàng trăm nghị sĩ của Đảng cầm quyền ra ứng cử trong cuộc bầu cử tới đây bị khởi kiện vì vi phạm pháp luật khi có ý đồ sửa đổi Hiến pháp. Những ứng cử viên này, nếu bị định tội, sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm. Và như vậy, cuộc bầu cử vào tháng 2 tới có nguy cơ không đi đến kết quả.

“Điều mà tôi lo ngại hơn là những gì sẽ xảy ra sau bầu cử. Cuộc bầu cử có thể tiến hành nhưng xảy ra tình trạng là không thể thành lập được Chính phủ bởi phán quyết của toà án hay các nghị sĩ không được bầu ra đặc biệt ở khu vực phía Nam. Và nếu như bầu cử diễn ra mà không thể thành lập được Chính phủ thì đó là cuộc khủng hoảng vô cùng lớn”, tiến sĩ Michael Montesano cho biết thêm.

Các chuyên gia cũng nhận định rằng phải mất nhiều năm nữa thì Thái Lan mới có đủ thời gian hoàn thiện việc cải cách nền chính trị đáp ứng được yêu cầu của tất cả các bên. Trong lúc này, mọi nỗ lực đều tập trung vào việc tránh xảy ra xung đột và đổ máu khi phe biểu tình bắt đầu chiến dịch “đóng cửa” Bangkok bắt đầu từ ngày mai thứ Hai 13/1.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước