Các nước phương Tây đang gia tăng sức ép đối Nga trong vấn đề Ukraine. Đây là nhận định của chuyên gia sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu áp đặt thêm một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt lần này nhằm vào hàng loạt tên tuổi lớn của Nga, ước tính có thể gây thiệt hại hàng trăm tỷ USD, chỉ riêng đối với ngành năng lượng.
Lần đầu tiên, Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào những công ty năng lượng, ngân hàng và công ty quốc phòng lớn nhất của Nga. Đó là những cái tên như Rosneft - nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga, Novatek - nhà sản xuất khí đốt lớn thứ hai và Gazprombank - ngân hàng lớn thứ ba của nước này. Đây đều là những công ty, ngân hàng được cho là do các nhân vật thân cận với Tổng thống Putin nắm giữ.
‘ Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu về lệnh trừng phạt đối với Nga. Ảnh: Reuters
Phát biểu từ London, nhà phân tích Chris Weafer cho rằng, các biện pháp trừng phạt rõ ràng nhằm gia tăng sức ép đối với Nga trong vấn đề Ukraine, tuy nhiên nó sẽ không có ảnh hưởng lớn đối với các công ty của Mỹ và các nước đồng minh châu Âu.
Ông Chris Weafer, Nhà phân tích nói: “Họ đã nghiên cứu rất kỹ những công ty, ngân hàng nằm trong tầm ngắm của các biện pháp trừng phạt lần này, đó là những cái tên lớn và nổi tiếng, tuy nhiên sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của phía Mỹ. Hai ngân hàng nhà nước của Nga không có nhiều các khoản nợ bằng đồng USD, giữa Mỹ và các ngân hàng này không có giao dịch trên thị trường tài chính. Còn hai công ty năng lượng của Nga, mặc dù bị cấm tiếp cận thị trường vốn tại Mỹ, nhưng biện pháp mới lại không cấm các công ty Mỹ tới làm ăn với hai công ty này”.
Nhà phân tích Weafer cho rằng, hành động đáp trả của Nga là điều rất quan trọng. "Chúng ta đã có được câu trả lời đầu tiên từ Bộ Ngoại giao Nga, nhưng hiện chúng ta cần theo dõi tình hình thực địa, liệu có các chuyển động quân sự hay không và liệu Nga có các hành động trả đũa chống lại Mỹ hay không?. Chúng tôi không hy vọng điều đó xảy ra, ngược lại chúng tôi hy vọng một sự đối thoại tích cực hơn giữa Tổng thống Nga Putin với EU và đặc biệt là Thủ tướng Đức Merkel. Đây là vấn đề then chốt, trong vòng vài tuần tới, cuộc đối thoại nào hay thỏa thuận nào sẽ đạt được giũa Tổng thống Nga và Thủ tướng Đức”.
Mặc dù phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga nhưng EU cũng nhất trí siết chặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và danh sách cụ thể các đối tượng bị trừng phạt sẽ được công bố vào cuối tháng này.