Quyết định này được xem là sẽ thay đổi hoàn toàn ngành sản xuất gạo cũng như nông nghiệp nói chung của Nhật Bản, vào thời điểm Nhật Bản đang quyết tâm đàm phán để gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP.
Cánh đồng lúa rộng mênh mông thuộc sở hữu của gia đình ông Kakuzaki tại tỉnh Saitama. Ông Kakizaki cho biết đã bao năm qua gia đình ông duy trì trồng lúa nhờ sự hỗ trơ tích cực từ chính phủ.
Ông Kakuzaki, nông dân Nhật Bản cho biết: “Nhà tôi trồng 220.000 mét vuông lúa, lớn hơn rất nhiều so với diện tích trồng lúa trung bình ở Nhật Bản, nhưng lợi nhuận thu được từ trồng lúa thì thấp lắm, chỉ khoảng 600 nghìn yên một năm, không đủ nuôi sống gia đình. Hiện nay, chúng tôi đang được Chính phủ trợ cấp 15.000 yên cho mỗi 1000 mét vuông đất trồng lúa, tính ra gia đình tôi được trợ cấp hơn 3 triệu yên một năm. Khoản tiền này hỗ trợ chúng tôi rất nhiều”.
Ông Kakuzaki đang hết sức lo lắng trước thông tin chính phủ Nhật Bản sẽ cắt giảm một nửa trợ cấp cho những người nông dân như ông kể từ năm tới, và sau 5 năm khoản trợ cấp trồng lúa sẽ bị xóa bỏ hòan toàn. Ông cho rằng điều này sẽ buộc ông phải tìm phương thức sản xuất khác.
“Hiện nay, tôi đang trồng cà chua song song với trồng lúa. Lợi nhuận từ cà chua cao hơn trồng lúa rất nhiều. Mất trợ cấp của Chính phủ, có lẽ tôi sẽ chuyển hẳn sang trồng các loại rau quả”, ông Kakuzaki cho biết thêm.
Quyết định của Chính phủ Nhật Bản được xem là bước ngoặt lớn nhất đối với ngành nông nghịêp Nhật Bản trong vòng 40 năm qua. Theo giáo sư kinh tế Yoshino thuộc trường đại học Keio, chính quyền thủ tướng Shinzo Abe đang muốn chuyển đổi phương thức canh tác từ canh tác nhỏ sang trồng lúa đại quy mô.
Giáo sư Yoshino Naoyuki, Giáo sư kinh tế trường đại học Keio, Nhật Bản nói: “Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Chính phủ Nhật Bản khi đó đã quyết định thu hồi đất của các đại địa chủ và phân phối cho các hộ nông dân một cách bình đẳng, dẫn đến sự ra đời của phương thức canh tác nông nghịêp nhỏ ở Nhật Bản. Vì diện tích trồng lúa quá nhỏ nên hiệu suất rất thấp trong khi chi phí lại cao. Để đảm bảo cuộc sống cho người nông dân, Chính phủ đã đưa ra chính sách trợ cấp gạo từ thập niên 70. Chính phủ hiện đã nhận thức rằng cứ bảo trợ như thế này ngành nông nghiệp sẽ không thể phát triển lên được, và muốn thúc đẩy tiến trình tập trung đất để nâng cao hiệu suất canh tác”.
Cũng theo giáo sư Yoshino, việc giảm bớt trợ cấp gạo và các mặt hàng nông sản khác sẽ buộc ngành nông nghiệp Nhật Bản thích ứng với cuộc cạnh tranh trên thị trường, và mở đường cho các cuộc đàm phán gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP.
Ngành sản xuất gạo của Nhật Bản đang đứng trước thách thức to lớn từ việc gia nhập TPP. Việc thay đổi phương thức canh tác được xem là điều bắt buộc với các nhà sản xuất của Nhật Bản để có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ bên ngoài.