Nhật Bản nỗ lực tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân

Đức Cường-Thứ sáu, ngày 25/07/2014 14:31 GMT+7

Gần một năm sau khi chấm dứt hoạt động lò phản ứng hạt nhân cuối cùng, Nhật Bản lại bắt đầu một tiến trình dài và khó khăn nhằm tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.

Ngày 25/7, Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến trình kiểm tra độ an toàn của 11 nhà máy điện hạt nhân ở nhiều địa phương, nhằm xác định xem các nhà máy này có đủ điều kiện để hoạt động trở lại hay không.

Tuyên bố này được đưa ra một tuần sau khi Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản công nhận hai lò phản ứng tại nhà máy điện Sendai đạt chuẩn an toàn quốc gia. Chính phủ Nhật Bản hiện đang rất nỗ lực khôi phục các lò phản ứng hạt nhân nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu.

‘ Các lò phản ứng được thẩm định là an toàn theo các quy chuẩn nghiêm ngặt của NRA sẽ được tái khởi động. Nguồn: Kyodo

Cơ quan pháp quy hạt nhân Nhật Bản cho biết, họ chỉ tiến hành đánh giá các nhà máy điện hạt nhân tự nguyện nộp hồ sơ xin tái khởi động, và việc đánh giá sẽ được tiến hành thông qua 4 nhóm công tác. Các nhà máy được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn sẽ phải nhận được sự cho phép của chính quyền địa phương trước khi chính thức hoạt động trở lại.

Theo các nhà phân tích, việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân đang trở nên cấp bách với Nhật Bản nhìn từ góc độ an ninh năng lượng quốc gia, khi mà các tuyến đường vận tải hàng hải quốc tế đang ngày càng trở nên bất ổn.

Giáo sư Kaneko Kumao, Nguyên Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và An ninh Nhật Bản cho biết: “Sau khi đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân, Nhật Bản phải dựa hoàn toàn vào nguồn năng lượng nhập khẩu như dầu thô và khí thiên nhiên. Nguồn dự trữ dầu thô ở Nhật Bản đủ dùng trong vòng 6 tháng, nhưng dự trữ khí thiên nhiên chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng trong vòng 1 tuần. Nếu vì một lý do nào đó mà tuyến vận tải đường biển đến Nhật Bản bị cắt, an ninh năng lượng của chúng tôi sẽ lập tức bị đe dọa. Tuyến vận chuyển năng lượng lớn nhất của Nhật Bản xuất phát từ Trung Đông và đi qua một loạt các khu vực tiềm ẩn nguy cơ xung đột như biển Đông và biển Hoa Đông”.

Sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu cũng đang hạn chế khả năng hồi phục của nền kinh tế Nhật Bản, do ngân sách nhà nước phải chịu thêm một khoản chi phí đáng kể để nhập khẩu năng lượng.

Giáo sư Kaneko Kumao cho biết thêm: “Từ năm 2011 Nhật Bản đã phải trả thêm 3,6 nghìn tỷ Yen (tương đương 36 tỷ USD) để nhập khẩu khí đốt. Nhật Bản là nhà nhập khẩu khí thiên nhiên lớn nhất thế giới, nên chúng tôi nhập khẩu càng nhiều thì giá khí thiên nhiên càng tăng và càng ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty”.

Cơ quan pháp quy Nhật Bản đã phải mất 4 tháng để phê chuẩn độ an toàn của nhà máy Sendai, và có thể Nhật Bản sẽ mất 2-3 năm để công nhận an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân còn lại. Chính phủ Nhật Bản cho biết, sẽ tăng thêm nhân lực chơ cơ quan pháp quy hạt nhân nếu cần thiết để sớm hoàn thành tiến trình tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước