Cuộc khủng hoảng Syria đã có bước ngoặt bất ngờ và đất nước này, cũng như khu vực Trung Đông, có thể nói, là đã thoát khỏi một cuộc chiến tranh trong gang tấc. Chúng ta sẽ cùng nhìn lại những nút thắt, những diễn biến đầy kịch tính của cuộc khủng hoảng Syria trong năm qua.
‘ Thân nhân của những người được cho là thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus. (Ảnh: AFP)
Ngày 21/8, các hình ảnh về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria được tung ra cùng với con số 1.400 người thiệt mạng. Chính phủ Syria và lực lượng đối lập đổ lỗi cho nhau. Thế giới chấn động. Cuộc khủng hoảng Syria lên đến đỉnh điểm.
Mỹ và các đồng minh khởi động cỗ máy chiến tranh để trừng phạt và lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, người bị họ buộc tội đã bước qua làn ranh đỏ - tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học.
Cùng với những lời lẽ cứng rắn và các bước chuẩn bị pháp lý, Mỹ, Anh, Pháp đã điều tàu chiến, tàu khu trục mang theo tên lửa hành trình tới Địa Trung Hải, áp sát Syria. Nga cũng điều động thêm tàu chiến tới khu vực này. Những ngày đầu tháng 9, Địa Trung Hải và Trung Đông cận kề nguy cơ một cuộc chiến tranh mới.
Trong bối cảnh nóng bỏng đó, ngày 10/9, Nga chuyển cho Mỹ đề xuất đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát của quốc tế.
Ông Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Nga nói: “Chúng tôi thống nhất về vấn đề đặt vũ khí hóa học Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Mọi động thái phải có sự xem xét của Hội đồng bảo an LHQ. Với thiện chí hữu nghị và hợp tác, Nga và Mỹ có thể giải quyết mọi vấn về then chốt hiện tại, trong đó có cả sự đe doạ bởi vũ khí huỷ diệt hàng loạt”.
Ông Walid al-Moualem, Ngoại trưởng Syria cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng nêu rõ vị trí cất giữ vũ khí hóa học, ngừng sản xuất vũ khí hóa học và cho phép các đại diện của Nga cũng như các nước khác và LHQ tham quan các kho vũ khí này. Chúng tôi muốn tham gia hiệp ước cấm vũ khí hóa học. Chúng tôi sẽ tôn trọng các cam kết của mình liên quan đến hiệp ước trên, kể cả cung cấp thông tin về những vũ khí này”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Tôi đã yêu cầu lãnh đạo Quốc hội hoãn bỏ phiếu về việc cho phép tấn công Syria để đi tiếp con đường ngoại giao này. Tôi sẽ phái Ngoại trưởng John Kerry đi gặp người đồng cấp Nga vào ngày 12/9, còn bản thân tôi sẽ tiếp tục bàn luận riêng với Tổng thống Nga Putin”.
Nút thắt của cuộc khủng hoảng được tháo gỡ. Các bên có được một bước lùi để tránh một cuộc chiến tranh không ai muốn. Cả thế giới thở phào.
Tổ chức cấm Vũ khí Hóa học LHQ vào cuộc. Các thanh sát viên đã tiếp cận hàng chục địa điểm cất trữ vũ khí hóa học trên lãnh thổ Syria. Các nước đã cùng bắt tay hợp tác để hướng tới mục tiêu tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria vào giữa năm 2014.
Vấn đề gai góc nhất trong cuộc khủng hoảng Syria đã được hóa giải.
Vào những ngày cuối năm này, Nga, Mỹ, một số nước Arab và các bên ở Syria đang chuẩn bị cho Hội nghị Geneva sẽ diễn ra vào tháng 1 tới để tìm giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria. Cơ hội hòa bình đã hé mở nhưng các bên có sẵn sàng nắm bắt cơ hội hay không là một câu hỏi lớn đang chờ lời giải. Còn những ngày này, mảnh đất Syria vẫn nóng bỏng bởi khói lửa của nội chiến. 120.000 người đã thiệt mạng vì súng đạn trong 3 năm qua.
Quý độc giả quan tâm tới vấn đề này có thể theo dõi video dưới đây: