Nhận định chung của các học giả tại Hội thảo cho rằng luật pháp quốc tế là nền tảng cho kiểm soát căng thẳng và giải quyết các tranh chấp trên biển Đông hiện nay.
Trong phiên thảo luận đầu tiên, bên cạnh việc tiếp tục khẳng định đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc trên là thiếu cơ sở pháp lý, các học giả, các nhà nghiên cứu quốc tế đã nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về luật biển của Liên hợp quốc (UNCLOS), trong việc kiểm soát căng thẳng và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
‘ Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. (Ảnh: Internet)
Giáo sư Peter Dulton, Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc, Học viện Hải quân Mỹ cho biết: “Vai trò quan trọng nhất của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông là tạo cơ sở, các quy tắc và luật lệ nền tảng để dựa vào đó, các quốc gia liên quan xác định rõ tuyên bố chủ quyền của mình trên biển. Sức mạnh quan trọng nhất của UNCLOS là khả năng kết hợp quy chế các vùng biển vào một hệ thống pháp lý thống nhất. Nó đồng thời tạo khuôn khổ để đưa các tranh chấp ra giải quyết qua trọng tài quốc tế, tất nhiên là trên cơ sở thống nhất của các bên liên quan”.
Ông Henry S. Bensurto, Tổng thư ký Ủy ban Hàng hải và Đại dương, Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Luật pháp quốc tế đóng vai trò then chốt. Dù chưa phải là toàn diện nhưng là nền tảng cho giải quyết tranh chấp. Do đó, mọi cơ chế kiểm soát tranh chấp trên biển Đông phải dựa trên luật pháp quốc tế và UNCLOS”.
Tại Hội thảo, các học giả, các nhà nghiên cứu quốc tế cũng đã đưa ra những giải pháp nhằm kiểm soát căng thẳng và giải quyết tranh chấp trên biển Đông.
Ông Ernest Z. Bower, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế - CSIS, Mỹ chia sẻ: “Trong hai ngày Hội thảo, đã có những đề xuất về việc cùng hợp tác, trong đó một số tập trung vào cùng hợp tác phát triển, một số tập trung vào xây dựng lòng tin, số khác tập trung vào cơ chế phối hợp như tuần tra chung. Tôi cho rằng đây là các đề xuất hợp lý.”
Bà Bonnie S. Glaser, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế - CSIS, Mỹ cho biết: “Theo tôi, cách tốt nhất để giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là đưa ra tòa trọng tài quốc tế hay tòa án pháp lý quốc tế để xác định rõ những khác biệt trong các tranh chấp chủ quyền này. Tất nhiên là các bên có tuyên bố chủ quyền tranh chấp cần phải nhất trí đưa vụ việc ra tòa để giải quyết”.
Các học giả đánh giá cao nỗ lực của ASEAN trong việc thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). Mặc dù còn một số quan ngại về tiến độ, song nhiều ý kiến cho rằng COC sẽ là khuôn khổ pháp lý giúp giảm bớt những căng thẳng trong vùng biển này.
Đã có khá nhiều giải pháp được đưa ra nhằm kiểm soát căng thẳng và giải quyết tranh chấp trên biển Đông, trong đó phần lớn các học giả tập trung vào vấn đề gác tranh chấp cùng phát triển. Tuy nhiên, một trong những trở ngại được nêu ra trong hội thảo lần này, đó là làm thế nào để thúc đẩy được lòng tin giữa các bên liên quan. Đây là vấn đề mà các học giả, các nhà nghiên cứu cho là cốt lõi trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông hiện nay.