Kết quả của cuộc họp sẽ là cơ sở quan trọng để cuộc họp Bộ trưởng các nền kinh tế TPP vào tháng 12 tới tại Singapore quyết định xem liệu có thể kết thúc đàm phán TPP ngay trong năm 2013 như cam kết. Tuy nhiên, khi tiến trình đàm phán theo cam kết chỉ còn hơn 1 tháng nữa phải hoàn tất, thì lại đang xuất hiện những lo ngại mới về việc triển khai TPP sau đàm phán.
‘ Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: Washingtonpost)
Lo ngại này xuất phát ngay từ nước Mỹ, nền kinh tế lớn nhất và là thành viên quan trọng nhất của Hiệp định. Hiện những đấu tranh chính trị nội bộ căng thẳng tại Mỹ đang đặt ra nguy cơ Hiệp định TPP không dễ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, dẫn đến việc TPP sau khi hoàn tất đàm phán sẽ bị ách tắc trong triển khai.
Buổi ra mắt nhóm nghị sỹ Mỹ ủng hộ Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn. Sự kiện này vừa diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại TPP sau khi hoàn tất đàm phán sẽ rơi vào tình trạng nằm “chờ Quốc hội Mỹ phê chuẩn”. Đây cũng là điều đã xảy ra với các Hiệp định thương mại song phương của Mỹ với Panama, Colombia hay Hàn Quốc. Các nghị sĩ và doanh nghiệp ủng hộ TPP không muốn điều này.
Ông Charles W. Boustany Jr, Hạ nghị sỹ Cộng hòa, Bang Louisiana cho biết: “Tôi sẵn sàng hợp tác với các Hạ nghị sỹ ở cả hai Đảng để đảm bảo rằng những thỏa thuận mà Mỹ đưa ra trong TPP sẽ sớm được Quốc hội phê chuẩn bởi tôi biết điều đó khẳng định cam kết của Mỹ với thế giới rằng chúng ta luôn sẵn sàng tham gia hợp tác thương mại quốc tế”.
Bà Devry Boughner Vorwerk, Đồng Chủ tịch Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ ủng hộ TPP nói: “Thông điệp lớn nhất của việc ra mắt Hội Nghị sỹ ủng hộ TPP là khẳng định, TPP là tương lai cho tăng trưởng và phát triển của khu vực cũng như tạo cơ hội cho tất cả các nền kinh tế. Do đó, chúng tôi rất hy vọng vào việc các hạ nghị sỹ tiến hành thành lập Nhóm này”.
Đích thân Tổng thống Obama đã nhiều lần gặp gỡ các lãnh đạo chủ chốt của 2 viện để giải quyết các khác biệt giữa Nhà Trắng với Quốc hội về TPP. Hiện chính quyền Obama chưa được Quốc hội trao “quyền đàm phán nhanh các hiệp định thương mại”, trong đó có TPP - tức là không được thay mặt Quốc hội quyết định nội dung chi tiết của Hiệp định. Điều này có nghĩa, sau khi hoàn tất đàm phán, hiệp định TPP nếu trình ra Quốc hội Mỹ thì hoàn toàn có thể bị Quốc hội yêu cầu điều chỉnh và sửa đổi trước khi được phê chuẩn. Nếu nội dung sửa đổi lớn, Mỹ sẽ phải đàm phán lại gần như từ đầu với các thành viên khác trong TPP.
Ông Gregory Meeks, Hạ nghị sỹ Dân chủ, Bang New York chia sẻ: “Chúng ta đang đứng trước một cơ hội để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự tham gia của các nghị sỹ của cả hai Đảng, thảo luận với cộng đồng quốc tế để phổ biến đến toàn thể Quốc hội Mỹ rằng TPP là một hiệp định có lợi cho tất cả mọi người”.
Tại Mỹ, đã xuất hiện sự phản đối của một số hiệp hội và nghị sỹ đối với việc sớm thông qua Hiệp định TPP. Những người này cho rằng Nhà Trắng cần phải công khai các nội dung của TPP tới người dân và việc dễ dàng thông qua TPP sẽ khiến nhiều người Mỹ mất việc làm, nước Mỹ sẽ bị tràn ngập bởi hàng hóa kém chất lượng và không an toàn đến từ các nền kinh tế TPP khác. Thế nhưng, sự phản đối này không lớn bằng những trở ngại ở ngay trong Quốc hội Mỹ, đặc biệt là từ phía Đảng Cộng hòa.
Theo nhận định thì Nhà Trắng vẫn có thể hòan tất đàm phán TPP trong năm nay như cam kết. Tuy nhiên, nước Mỹ đang loay hoay trong tình trạng đấu tranh chính trị căng thẳng, và đặc biệt là sau sự cố đóng cửa Chính phủ hồi tháng trước, nhiều người lo ngại rằng rất có khả năng phe Cộng hòa trong Hạ viện sẽ tiếp tục gây khó dễ cho chính quyền của Tổng thống Obama dẫn đến việc thông qua TPP gặp nhiều khó khăn. Và lối thoát cho vấn đề này sẽ phụ thụôc vào rất nhiều vào sự thỏa hiệp giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa trong nhiều vấn đề khác của nước Mỹ.