Hàng nghìn người đổ về thành phố Bethlehem ở Bờ Tây, nơi Chúa Jesus được tin đã chào đời. (Ảnh: Internet)
Không khí Giáng sinh đã đến rất gần mọi nhà. Cứ vào dịp này hàng năm, những tín đồ Thiên Chúa Giáo trên toàn thế giới đều không quên hướng về thánh địa Bethlehem, miền đất được kinh thánh cho là nơi Chúa Jesus đã giáng trần để chịu tội cho loài người. Bất chấp tình trạng bất ổn do cuộc xung đột gần đây giữa Israel và nhóm hồi giáo Hamas, người dân Bethlehem năm nay vẫn nỗ lực bằng mọi cách để chuẩn bị cho mình một mùa lễ Giáng sinh hạnh phúc và an lành.
Những tiếng chuông đã được những người dân Bethlehem rung lên trên các con phố nhằm báo hiệu một mùa Giáng sinh nữa lại về.
Suốt bao năm qua Bethlehem vẫn bị vây bọc ba phía bởi những bức tường cao do Israel dựng lên với ly do ngăn chặn những phần từ đánh bom khủng bố. Và cho tới ngày nay, mọi con đường ra vào Bethlehem vẫn do Israel kiểm soát.
Giáng sinh đến cũng là dịp để người dân Bethlehem ước vọng về một điều mà họ đã nguyện cầu suốt bao năm qua.
Ông Ziad Al Bandak, một người dân Bethlehem nói: “Hôm nay, chúng tôi đã chuẩn bị xong cho ngày lễ Giáng sinh và chúng tôi hy vọng năm nay và những năm sau nữa sẽ tốt đẹp hơn cho người Palestine. Chúng tôi mong đợi một Giáng sinh của hạnh phúc và hòa bình”.
Nguồn lợi kinh tế chính của Bethelehem đến từ du lịch. Thánh đường Chúa Giáng Thế ở công trường Máng Lừa là nơi mà tất cả người Thiên Chúa Giáo đều mong muốn được ghé thăm ít nhất một lần trong đời. Năm nay, bất chấp những lo ngại về an ninh và sự ngăn chặn từ phía Israel, ước tính 75 nghìn người hành hương vẫn đổ về Bethlehem để cảm nhận không khí Giáng sinh.
Anh Garo, đến từ Jerusalem cho biết: “Bạn biết đấy, Giáng sinh là ngày của sự hạnh phúc và để cảm ơn Chúa vì đã giáng trần. Chúng tôi tới Bethlehem bởi chỉ tại đây bạn mới thực sự cảm nhận được sự hạnh phúc đích thực và ý nghĩa của lễ Giáng sính hơn bất cứ nơi nào khác”.
Ít ngày trước lễ Giáng sinh, Thị trưởng Bethlehem đã tuyên bố Giáng sinh năm nay đối với người dân Palestine không chỉ để kỷ niệm ngày Chúa giáng trần, mà có còn có ý nghĩa quan trọng là chào mừng Palestine đã được thừa nhận là một quốc gia tại Liên Hợp Quốc, nhưng cũng nhắc nhở chặng đường để hướng tới một tương lai bình yên cho người dân Palestine sẽ còn phải đợi nhiều mùa Giáng sinh nữa.