Kéo dài đàm phán TPP, kịch bản được dự đoán trước

Việt Hùng-Thứ tư, ngày 11/12/2013 19:30 GMT+7

Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP đã không thể hoàn tất trước năm 2014 như nhiều nước mong muốn.

Khi vòng đàm phán thứ 20 về TPP tại Singapore kết thúc ngày 10/12, nhiều người cho rằng, những bất đồng nội bộ tại Mỹ, đối tác quan trọng nhất trong đàm phán TPP, có thể đã là một trong những nguyên nhân chính. Tuy nhiên, dư luận tại chính nước Mỹ lại không hoàn toàn đồng ý như vậy.

‘ Quang cảnh phiên họp toàn thể đầu tiên của Hội nghị Bộ Trưởng TPP hôm 7/12. (Ảnh: Vietnam+)

Đối với nhiều học giả tại Mỹ, thất bại của vòng đàm phán Singapore là có thể nhìn thấy từ trước. Việc chính quyền Mỹ đàm phán TPP mà không có trong tay quyền đàm phán nhanh TPA có thể tạo ra quan ngại về khả năng TPP bị Quốc hội Mỹ phủ quyết trong tương lai chứ không phải là nguyên nhân dẫn đến bế tắc trong đàm phán. Theo các chuyên gia, bế tắc chính nằm ở ngay trong nội dung của bản Hiệp định.

Ông Clyde V. Prestowitz Jr., Giám đốc Viện Chiến lược Kinh tế, Hội đồng Đại Tây Dương cho biết: “Một trong những nhược điểm lớn nhất của Hiệp định TPP là các quốc gia thành viên không có ý định tìm kiếm thỏa thuận gì liên quan đến hai yếu tố nguy hại nhất đối với thương mại quốc tế và toàn cầu hóa, đó là, cam kết chấm dứt các hoạt động thao túng tỷ giá hối đoái và từ bỏ các chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài”.

Bất đồng giữa Mỹ và Nhật Bản trong lĩnh vực thuế quan nông sản và buôn bán ôtô đã là một trong những mâu thuẫn lớn chưa thể thỏa hiệp trong vòng đàm phán lần này. Bên cạnh đó, trọng tâm đàm phán vào năm tới sẽ là về những tồn đọng trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Ông Mike Moore, nguyên Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới cho rằng để kết thúc đàm phán TPP, sẽ còn một chặng đường rất dài phía trước.

Ông Mike Moore, Đại sứ New Zealand tại Mỹ, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới nhiệm kỳ 1999 – 2002 nói: “Tôi cho rằng trong 3 năm nữa, chúng ta vẫn sẽ chỉ ở giai đoạn mà chúng ta đang có hiện nay vì đây sẽ là quá trình đàm phán rất căng thẳng và kéo dài. Mỗi quốc gia đều có nhiều điểm bảo thủ về thuế quan, trợ cấp thương mại cũng như một loạt các hàng rào kỹ thuật phức tạp khác”.

Với sự tham gia của của Nhật Bản cùng nhiều nước Ðông Nam Á, mà không có Trung Quốc, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP được chính quyền Obama coi là một trong những trụ cột trong chính sách chuyển hướng về châu Á của Mỹ. Tuy nhiên, hiệp định này rõ ràng đang đối mặt với vô vàn khó khăn khi khâu đàm phán với các quốc gia đối tác vẫn còn đang dở dang thì bóng đen về sự phản đối của Quốc hội Mỹ đã sẵng sàng chờ đón.

Chính quyền Mỹ vẫn nuôi tham vọng hoàn tất đàm phán TPP trước ngày 31/12 năm nay. Tuy nhiên mục tiêu đó đã không thành. Đây tiếp tục là một cú đánh vào uy tín vốn đang xuống rất thấp của tổng thống Obama trong bối cảnh ông liên tục bị phe Cộng hòa cáo buộc là người hứa được nhưng không làm được.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước