Iran "mở cửa" hơn dưới thời Tổng thống Rouhani

Thanh Thủy-Thứ năm, ngày 27/03/2014 06:00 GMT+7

Iran đang "mở cửa" hơn đối với thế giới dưới thời của Tổng thống Rouhani – chính trị gia theo đường lối ôn hòa. Sự cởi mở không chỉ diễn ra đối với những chính sách đối ngoại mà còn đang mang tới nhiều thay đổi cho diện mạo xã hội của đất nước này.

Chỉ 6 tháng trước, việc tiếp cận Internet ở Iran rất khó khăn. Nhưng giờ đây, người dân và nhiều chính trị gia đã bắt đầu được sử dụng các mạng xã hội. Đây được xem như góc nhìn về một Iran đang không ngừng đổi mới.

Anh Amir Hadi Anvari – một nhà báo Iran chia sẻ: “Trước khi ông Rouhani trở thành Tổng thống Iran, giống như nhiều người khác, tôi đã có kế hoạch để rời khỏi đất nước. Nhưng có rất nhiều thứ xảy ra vào năm 2013. Và sau cuộc bầu cử, tôi bắt đầu hy vọng một lần nữa. Tình hình đã được cải thiện. Mọi thứ được cởi mở hơn”.

Anh Amir nói rằng, bởi vì có sự “tan băng” trong đời sống chính trị ở Iran, một số bạn bè của anh di cư ra nước ngoài những năm trước đang nghĩ đến việc quay trở lại đất nước.

Đối với anh Amir, máy tính là công cụ làm việc hàng ngày. Anh là một nhà báo và cũng là một người viết blog. Nhưng tất cả đều rất khó khăn khi 6 tháng trước, việc vào các trang mạng bị cấm ở Iran.

‘ Hiện nay, việc truy cập Internet hay các mạng xã hội đã thuận lợi hơn rất nhiều ở Iran

Anh Amir viết bài trên Facebook vì anh nhận được những phản hồi trực tiếp hơn. Kể từ khi Iran có Tổng thống mới và Bộ trưởng Ngoại giao sử dụng Facebook , anh thấy rất vui vì mọi thứ đang dần thay đổi. “Thật là tuyệt. Kể từ 4 hoặc 5 tháng nay đã dễ dàng hơn khi truy cập Internet. Việc mở một trang web trước đây rất phức tạp” – anh chia sẻ.

Không chỉ người dân cảm thấy thoải mái, các xưởng sản xuất cũng bắt đầu có bước phát triển mới. Trong đó có Iran Khodro – xưởng sản xuất xe hơi lớn nhất Trung Đông.

Sau dầu khí, sản xuất ô tô là ngành kinh tế quan trọng nhất của Iran. Khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, việc sản xuất ô tô đã giảm mạnh. Tuy nhiên, Iran đã biết cách phản ứng, bắt kịp xu hướng với sự giúp đỡ của Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tất nhiên, Iran muốn hợp tác với phương Tây. Nhiều loại máy móc của Iran đến từ các nước phương Tây, trong đó có Đức. Siemens, Bosch và Continental là những doanh nghiệp đã kinh doanh tốt ở đây. Nhiều phụ tùng xe hơi phải nhập khẩu 2 năm trước, nay Iran đã có thể tự sản xuất.

Phó Giám đốc Iran Khodro hy vọng rằng sau kết quả tích cực của các cuộc đàm phán Geneva, biện pháp trừng phạt Iran sẽ được nới lỏng và các công ty châu Âu sẽ sớm trở lại Iran. Ông Hossein Najjari – Phó Giám đốc Iran Khodro cho biết: “Các công ty đã kinh doanh với chúng tôi – Bosch và Continental, họ cung cấp cho chúng tôi các linh kiện điện tử và các thiết bị an toàn. Họ thông báo cho chúng tôi là họ đang quan tâm đến việc tái hợp tác”.

Anh Amir kiếm sống không phải từ việc viết blog mà bằng việc viết cho một tạp chí kinh doanh và kinh tế. Với con mắt của một nhà quan sát kinh tế, anh cho rằng Iran có thể tiến xa hơn nữa nếu đón nhận không khí hòa hiếu từ phương Tây.

Quý vị và các bạn có thể theo dõi nội dung chi tiết qua video dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước