Cảnh sát Indonesia đã sẵn sàng mọi công việc cần thiết để đảm bảo an ninh và an toàn cho sự kiện quan trọng của đất nước. (Ảnh: AFP)
Chỉ còn chưa đầy 2 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống của Indonesia. Đây là cuộc bầu cử quan trọng bởi Indonesia là quốc gia Hồi giáo lớn nhất thế giới và cũng là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trên 190 triệu cử tri Indonesia sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 9/7 tới đây để lựa chọn ra nhà lãnh đạo đất nước trong vòng 5 năm tới.
Hai ứng cử viên Tổng thống hiện nay là ông Joko Widodo, nguyên thống đốc Jakarta và ông Prabowo Subianto, nguyên là tư lệnh quân đội Indonesia.
Giới phân tích cho rằng đây là cuộc tranh cử giữa một bên là cải cách do ông Jokowi làm đại diện và một bên theo chủ nghĩa dân tộc với đại diện là ông Prabowo Subianto.
Bà Fitriani, Nhà nghiên cứu, Trường Nghiên cứu Quốc tế S.Rajaratnam cho biết: “Ông Prabowo Subianto theo đuổi các vấn đề dân tộc chủ nghĩa. Ông hứa hẹn phát triển quốc gia, xóa nghèo. Tuy nhiên thì vấn đề thương lượng lại hợp đồng với các nhà đầu tư nước ngoài và các công ty nước ngoài tại Indonesia nên các nhà đầu tư lo lắng việc này sẽ được giải quyết thế nào nếu ông Prabowo thắng cử. Còn đối với người dân Indonesia, nhất là tầng lớp dân nghèo họ đánh giá cao các chiến thuật của ông Prabowo vì họ muốn tài nguyên của Indonesia phải nằm trong tay người Indonesia.
Còn ứng cử viên Jokowi hứa hẹn nền kinh tế Indonesia sẽ tăng trưởng dưới sự lãnh đạo của ông. Ông cũng hứa hẹn giải quyết vấn đề hạ tầng cơ sở, chống quan liêu để giảm chi tiêu chính phủ, dùng tiền đó đầu tư cho y tế và giáo dục. Do vậy ông Jokowi cũng rất được lòng dân nghèo Indonesia”.
Trong suốt một tháng qua, cả hai ứng cử viên Tổng thống đã có chương trình vận động tranh cử bận rộn tại khắp Indonesia, đặc biệt đã có 5 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, trong đó hai bên đã trình bày quan điểm của mình trên nhiều vấn đề nóng được cử tri quan tâm trên nhiễu lĩnh vực từ chính trị, an ninh, đối ngoại cho tới kinh tế, giáo dục, môi trường.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù ai lên nắm quyền thì việc kiểm soát nạn tham nhũng và cải cách kinh tế là những vấn đề ưu tiên đặt ra tại đối với quốc gia với trên 240 triệu dân này.
Tiến sĩ Alexander R. Arifianto, Chương trình Nghiên cứu Indonesia, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á nói: “Kiểm soát được nạn tham nhũng, tái lập công bằng sẽ là vấn đề đầu tiên chính phủ mới phải giải quyết. Vấn đề thứ hai theo tôi đó là cải cách nền kinh tế. Kinh tế Indonesia bị ngưng trệ suốt 5 năm vừa qua.
Để thắng cử, 2 ứng viên cần chứng tỏ mình là người lãnh đạo gần dân, quan tâm tới dân và sẽ trợ giúp nhiều hơn nữa cho người dân có thu nhập thấp và đặc biệt là nông dân bởi vì ½ dân số Java làm nông nghiệp. Theo tôi, ứng viên nào tiếp cận được với người nông dân thông qua chính sách kinh tế đúng đắn sẽ trở thành Tổng thống tiếp theo của Indonesia”.
Cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên Tổng thống Indonesia hiện nay được cho là sít sao và khó dự đoán, khi mà các cuộc điều tra dư luận gần đây cho thấy khoảng cách chênh lệnh giữa hai bên chỉ từ 3 đến 7% trong khi có từ 10 đến 20% cử tri Indonesia vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai.
Trên 190 triệu cử tri Indonesia sẽ đưa ra sự lựa chọn của mình trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 9/7 tới.