Những phân tích dữ liệu radar được hãng Reuters công bố hôm thứ 6 cho thấy máy bay MH370 đã di chuyển về hướng Ấn Độ Dương. Reuters đã không để lộ danh tính các nguồn tin nhưng tất cả đều là nguồn tin thân cận trong cuộc điều tra này.
Các chuyên gia ngành Hàng không và nhiều cư dân địa phương đang tranh cãi về khả năng “hạ cánh bí mật” của chiếc Boeing 777 trên quần đảo này. Vì thế, một cuộc tìm kiếm của quân đội Ấn Độ cũng được tiến hành từ Port Blair – trung tâm hành chính của quần đảo Andaman.
CNN đã đưa ra 5 điều cần biết về quần đảo này – nơi đang hướng sự tập trung của chiến dịch tìm kiếm tung tích “chiếc máy bay bí ẩn”.
‘ Quân đội Ấn Độ đang bắt đầu chiến dịch tìm kiếm tung tích máy bay MH370 từ Port Blair thuộc quần đảo Andaman
Đó là một quần đảo hẻo lánh và gần như không có cư dân
Quần đảo Andaman là một phần của quần đảo Andaman & Nicobar, thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Tại đây có tổng số 572 hòn đảo nhưng chỉ có khoảng 36 đảo có người sinh sống.
Theo số liệu của cuộc điều tra dân số Ấn Độ năm 2011, tổng số cư dân tại quần đảo Andaman là gần 380.000 người. Nơi đây cách Ấn Độ Dương khoảng 1.370km về phía Đông. Hầu hết cư dân đều là những người nhập cư từ Nam Á.
Đường băng đủ dài cho một chiếc Boeiing 777
Sân bay quốc tế Veer Savarkar là sân bay chính của quần đảo Andaman, nằm ở Port Blair, thuộc phía Đông của đảo South Andaman – một trong 3 đảo lớn nhất của quần đảo.
CNN nói rằng các quan chức hàng không hy vọng các thiết bị hạ cánh ban đêm sẽ được lắp đặt trong năm nay và hiện tại chỉ có các chuyến bay ban ngày được phép hạ cánh. Sân bay này vốn là một cơ sở của hải quân Ấn Độ, được quản lý bởi Cục quản lý sân bay Ấn Độ.
Đường băng của sân bay ở Port Blair được xây dựng đủ dài cho một chiếc Boeing 777 có thể hạ cánh. Nó có chiều dài lên tới 3.290m và thực tế là dài hơn 600m so với yêu cầu dành cho loại Boeing 777, kể cả khi gặp thời tiết xấu.
Thật khó có thể tưởng tượng rằng một chiếc Boeing 777 như MH370 có thể hạ cánh thần kỳ tại đây mà không tạo ra bất cứ sự chú ý nào khi quần đảo này là một khu vực quân sự quan trọng của Ấn Độ. Thậm chí, nơi này còn có đủ các trang thiết bị giám sát bao phủ một vùng rộng lớn của Ấn Độ Dương. Vì thế, việc có một máy bay Boeing xuất hiện tại đây mà không bị phát hiện là điều rất khó có khả năng xảy ra.
Trận sóng thần kinh hoàng năm 2004 “đổ bộ” quần đảo
Đã có hàng nghìn cư dân của quần đảo Andaman & Nicobar thiệt mạng trong trận sóng thần kinh hoàng ngày 26/12/2004. Đó là trận sóng thần bắt nguồn từ trận động đất ở Sumatra (Indonesia) khiến 283.000 người của nhiều quốc gia thiệt mạng.
Đó là một “đảo tù” thời thuộc địa
Quần đảo Andaman từng là nơi giam cầm nhiều cư dân Ấn Độ của thực dân Anh trong những năm 1790. Đến năm 1858, tại Port Blair còn có một nhà tù do Anh xây dựng.
Thuộc địa này bị xóa bỏ khi thực dân Anh chiếm được một số hòn đảo ở Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới II. Năm 1947, Ấn Độ giành được độc lập và quần đảo Andaman & Nicobar thuộc quyền quản lý của quốc gia này.
Marco Polo đã đặt chân đến đây, nơi này cũng là bối cảnh của tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes
Nhà thám hiểm Marco Polo được cho là đã đặt chân lên quần đảo này vào thế kỷ 13 và gọi một hòn đảo tại đây là Angamanain. Quần đảo Andaman cũng được Conan Doyle chọn là bối cảnh trong tiểu thuyết trinh thám Sherlock Holmes – The Sign of the Four.