Ngay trong ngày đầu nhóm họp, các bộ trưởng G20 đã lên tiếng yêu cầu về một sự minh bạch trong chính sách tài chính của cả Mỹ và Trung Quốc, hai động lực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế thế giới.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng rút lại gói kích thích kinh tế trị giá 85 tỉ USD có nguy cơ dẫn đến tình trạng bán tháo cổ phiếu và chứng khoán trên toàn cầu, đồng thời làm biến động tỷ giá của đồng USD.
‘ Các đại biểu tham dự cuộc họp. (Ảnh: G20)
Nhóm G20 mong muốn Mỹ sẽ giải thích rõ ràng hơn về chính sách này vì việc dừng các gói kích thích tiền tệ của FED sẽ ảnh hưởng đáng kể đối với chính sách tài chính của nhiều nước và có thể gây ra một dòng vốn chảy ra từ các quốc gia mới nổi.
Còn với Trung Quốc, một câu hỏi về sự minh bạch hơn cũng được đặt ra đối với cái gọi là “hệ thống ngân hàng ngầm” của nước này vì rất nhiều các khoản cho vay tại Trung Quốc đang được cung cấp từ các tổ chức phi ngân hàng trong nước.
Các chuyên gia phân tích đánh giá “hệ thống ngân hàng ngầm” này có thể phải gánh chịu những rủi ro tương tự như những rủi ro đã từng xảy ra tại cuộc khủng hoảng thị trường cho vay thứ cấp hồi năm 2007, dẫn đến sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers Holdings Inc và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một năm sau đó.
Nếu hệ thống tài chính của Trung Quốc rơi vào tình trạng bất ổn, các nền kinh tế mới nổi cũng sẽ bị ảnh hưởng vì Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tại cuộc họp lần này, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 cũng sẽ trao đổi quan điểm về cách thức ngăn chặn các hình thức trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời dự kiến thông qua một tuyên bố chung, theo đó sẽ đồng ý áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến sẽ được tổ chức tại thành phố St. Petersburg của Nga vào đầu tháng 9 tới.