Dư luận về quan điểm của Việt Nam tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24

Thời sự VTV-Thứ hai, ngày 12/05/2014 19:56 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. (Ảnh: VGP)

Bài phát biểu của Thủ tướng thể hiện sự mềm dẻo nhưng kiên quyết, có lý, có tình đã cho ASEAN thấy rõ những gì đang xảy ra trong thực tế, đồng thời cũng bày tỏ lập trường kiên quyết của Việt Nam, nhiều học giả nhận định.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị cấp cao ASEAN 24 về những diễn biến căng thẳng tại Biển Đông được coi là lần đầu tiên Việt Nam bày tỏ quan điểm chính thức về vụ việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Bài phát biểu của Thủ tướng thể hiện sự mềm dẻo nhưng kiên quyết, có lý, có tình đã cho ASEAN thấy rõ những gì đang xảy ra trong thực tế, đồng thời cũng bày tỏ lập trường kiên quyết của Việt Nam. Đây là nhận định chung của nhiều học giả, nhà nghiên cứu và dư luận trong nước.

Các chuyên gia nghiên cứu về biển Đông nhận định bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thể hiện rõ ràng quan điểm, lập trường của Việt Nam tại một hội nghị quốc tế trước hành động đơn phương trái phép của Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đồng thời cũng thẳng thắn phân tích những diễn biến nguy hiểm trên biển Đông đã đe dọa ổn định, hòa bình ở khu vực. Điều này thể hiện thái độ trách nhiệm của Việt Nam trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN đối diện với những vấn đề thách thức an ninh của khu vực.

Ông Trần Việt Thái – Phó viện trưởng Viện Chiến lược đối ngoại, Bộ ngoại giao cho biết: “Trước hết, tôi thấy rất là mừng vì Thủ tướng nói rất thẳng nội dung thực chất, nói rõ những hành động vừa qua của Trung Quốc ở biển Đông không chỉ vi phạm chủ quyền, quyền tài phàn của Việt Nam, thềm lục địa Việt Nam mà đó còn là vi phạm DOC, vi phạm cam kết giữa ASEAN một bên và Trung Quốc một bên cũng như tạo thành đe dọa đối với hòa bình khu vực và trên thế giới”.

Ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Viện trưởng viện nghiên cứu Biển Đông nói: “Nếu Việt Nam là nước bị ảnh hưởng trực tiếp của vụ hạ giàn khoan mà không nói lên quan điểm của mình thì rất khó có khả năng ASEAN nói lên quan điểm của mình về vụ việc này. Nếu ASEAN không nói rất khó cho cộng đồng quốc tế nói về vụ việc này. Tôi cho rằng việc làm của Thủ tướng là cần thiết và cũng là một việc làm trách nhiệm thể hiện sự tin cậy với các quốc gia ASEAN khác”.

Việt Nam đã chủ động đưa vấn đề Biển Đông thành một nội dung trong tâm tại hội nghi cấp cao ASEAN lần này. Và một điểm nhấn quan trọng là sau 20 năm, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã thông qua một tuyên bố riêng về tình hình phức tạp, đe dọa an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông. Điều này cho thấy, các quốc gia trong khối ASEAN đã đoàn kết mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đồng thuận để cùng hướng tới lợi ích chung trong các vấn đề khu vực

Ông Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược đối ngoại, Bộ ngoại giao chia sẻ: “Có thể trong vấn đề này vấn đề khác ASEAN còn chưa thống nhất nhưng đối với những thách thức chung đe dọa hòa bình ổn định như vụ biển Đông vừa qua thì tôi thấy rõ là ASEAN đã có sự đoàn kết”.

Ông Nguyễn Hùng Sơn – Phó Viện trưởng viện nghiên cứu Biển Đông nói: “Tuyên bố lần này có điểm khác là tuyên bố chung của cả 10 nước trong đó có nhiều nước không phải quốc gia có yêu sách ở biển Đông. Thứ hai, tuyên bố này được đưa tại một đất nước không liên quan nhiều đến biển Đông. Điều này cho thấy, vấn đề biển Đông không chỉ riêng quốc gia nào mà nó là vấn đề chung của ASEAN. Có một điểm đặc biệt là trong khi Trung Quốc cố tình chọn vị trị đặt giàn khoan để cố gắng vô hiệu hóa tiếng nói của ASEAN vì họ cho rằng vị trí đặt giàn khoan đó chỉ liên quan tới Việt Nam và Trung Quốc, nhưng việc ASEAN cho rằng vị trí đó mặc dù chỉ liên quan tới Hoàng Sa, tranh chấp song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc nhưng họ vẫn có tiếng nói, nói lên quan điểm rõ ràng, bởi họ cho rằng đó là vấn đề hòa bình ổn định chung của cả khu vực”.

Trong khi đó, với những người dân hàng ngày, hàng giờ đã theo dõi sát sao diễn biến vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng thềm lục địa Việt Nam thì cho rằng, bài phát biểu của Thủ tướng thể hiện sự mềm dẻo nhưng kiên quyết, hợp lý hợp tình, thể hiện truyền thống hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán và những đề xuất hết sức xây dựng của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề này.

Đại tá Trần Văn Mười- Nguyên chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên cho biết: “Tôi có được xem bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bài phát biểu hay và chính xác, đã lên án hành động của một nước lớn làm theo tự ý của mình không tôn trọng chủ quyền, làm tình hình khối ASEAN căng thẳng. Với thái độ hiếu chiến thế này ta phải kiên trì kêu gọi như Thủ tướng kêu gọi nhân dân thế giới cũng như các nước ủng hộc chúng ta”.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng tuyên bố riêng về vấn đề biển Đông từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 được xem là tín hiệu mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), cùng ASEAN thương lượng thực chất về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước