Động thái của Mỹ tại Hội nghị ASEAN 21

CDS-Thứ ba, ngày 27/11/2012 17:53 GMT+7

TT Mỹ và lãnh đạo các nước ASEAN (Ảnh: TT)

Đã từ lâu, các Hội nghị Thượng đỉnh của ASEAN không chỉ thu hút sự chú ý của khu vực.

Với sự có mặt của các đối tác lớn, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN cuối năm còn là điểm hẹn của các cường quốc với việc phô diễn những động thái có chủ ý nhằm tác động tới các đối thủ và đối tác của họ.

Tháng 11/2011, khi Mỹ chính thức tuyên bố chính sách trở lại châu Á - Thái Bình Dương - một điều chỉnh chiến lược nhằm đối trọng với sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc, Tổng thống Obama lần đầu tiên có mặt tại Diễn đàn Đông Á và khẳng định: “Không một khu vực nào có thể mang lại những lợi ích kinh tế lớn hơn và lâu dài hơn châu Á - TBD. Tôi đã nói rằng, Mỹ luôn luôn là một quốc gia Thái Bình Dương.”
Cùng với đó là hàng loạt các động thái: Mỹ và Australia ký thỏa thuận đưa 2.500 quân Mỹ đồn trú tại Australia; Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Philippine ký Tuyên bố Manila tái khẳng định liên minh quân sự; Chuyến thăm Indonesia với những hợp đồng kinh tế hàng không giá trị kỷ lục…
Sự trình diễn như vậy cũng rầm rộ không kém vào tháng 11/2012 - Thời điểm Hội nghị ASEAN 21. Sự có mặt của Mỹ tại Đông Á cũng rất hùng hậu với sự tập trung các nhân vật cao cấp nhất. Và chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Obama sau khi tái đắc cử, 3 nước Miama - Thái Lan - Campuchia được coi là những địa bàn quan trọng trong chiến lược xoay trục châu Á. Đây đều là các đối tác quan trọng của Trung Quốc.
Có thể dễ hiểu khi biết rằng đó những màn dạo đầu trước khi bước vào điểm hẹn tại cấp cao Đông Á. Tuy nhiên, những trình diễn này liệu có tạo được ảnh hưởng khi bối cảnh an ninh Đông Á năm nay diễn biến phức tạp hơn.
Các hãng thông tấn báo chí lớn của phương Tây cho rằng, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN bế mạc với điểm nghẽn về việc không đồng thuận trong vấn đề Biển Đông. Phía Philippine đã chỉ trích việc nước Chủ tịch Campuchia ngăn cản việc đưa vấn đề này vào các cuộc thảo luận chung của khối. Các tuyên bố của phía Trung Quốc về việc không muốn để vấn đề Biển Đông chiếm vị trí trong các Hội nghị của ASEAN cũng được lặp lại liên tục và kiên quyết.
Theo bà Phó Oánh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc: “Chúng tôi không đồng ý với việc các tranh chấp biển và lãnh thổ sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa các bên nên được nhấn mạnh trong sự kiện này. Trong cuộc họp, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết lập trường của phía Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông là rất rõ ràng và không thay đổi.”
Trong bối cảnh này, người ta lại thấy sự có mặt của Mỹ tại Cấp cao Đông Á ít ấn tượng hơn năm ngoái. Không có những phát biểu mạnh mẽ, ông Obama chỉ lên tiếng hối thúc các nhà lãnh đạo châu Á kiềm chế căng thẳng trong khu vực Biển Đông và nhắc lại là không đứng về phía bên nào. Sự mềm mỏng này khiến Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda lên tiếng lưu ý về sự xấu đi của tình hình an ninh Đông Á: “Môi trường an ninh Đông Á càng xấu đi thì tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật sẽ ngày càng tăng lên.”
Diễn biến của Hội nghị cấp cao ASEAN 21 đã thể hiện tình hình an ninh khu vực và phần nào cục diện quan hệ các nước lớn trong một bối cảnh còn nhiều biến chuyển trong thời gian tới.

Tin bài liên quan:

ASEAN cần đoàn kết trước thách thức

VIDEO: Toàn cảnh HN Thượng đỉnh ASEAN 21

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước