Đối thoại Shangri-La: Sự kiện được quan tâm nhất tuần qua

PV-Chủ nhật, ngày 01/06/2014 19:05 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. (Ảnh: TTXVN)

Tuần qua, sự kiện được nhiều người quan tâm nhất là Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La). Bên cạnh  đó, tình hình Thái Lan và Ukraine cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận.

1. Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La)

Ngày 30/5 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) lần thứ 13 đã được khai mạc tại Singapore. Tới dự Hội nghị lần này có Mỹ và nhiều quốc gia châu Á với đại diện là Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tư lệnh quân đội và các học giả. Dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La là Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Về phía Mỹ và Nhật Bản có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham gia Hội nghị.

Đối thoại Shangri-La lần thứ 13 diễn ra từ ngày 30/5 đến 1/6.

2. Cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La

Thủ tướng Nhật Bản là chính khách quan trọng đầu tiên phát biểu tại cuộc đối thoại Shangri-La lần này, ông Shinzo Abe không ngần ngại chỉ trích những kẻ gây sự trên biển Đông thời gian qua.

Ông Abe đã cam kết ủng hộ các nước ASEAN trong các vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, đồng thời khẳng định việc sử dụng vũ lực và hăm dọa hòng thay đổi hiện trạng là hành động không thể biện hộ.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nhật Bản cũng đã tuyên bố, Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cấu trúc an ninh khu vực.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố, Washington sẽ không làm ngơ nếu trật tự quốc tế bị đe dọa. “Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã có những hành động đơn phương gây bất ổn nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông. Mỹ sẽ không thờ ơ khi những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo trật tự quốc tế đang bị thử thách”.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho biết, cần xây dựng cấu trúc an ninh khu vực dựa trên luật pháp quốc tế và nâng cao năng lực cho các đồng minh và đối tác để tự bảo đảm an ninh và cho khu vực.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Mỹ tiếp xúc song phương

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La), Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Tại đây, hai Bộ trưởng đã thống nhất tầm quan trọng của việc duy trì hoà bình, ổn định, đảm bảo an toàn an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

4. Học giả Trung Quốc lên án Đường lưỡi bò

Trong khi Trung Quốc bảo vệ các yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý thì không chỉ cộng đồng quốc tế mà ngay cả học giả Trung Quốc cũng không thể hiểu nổi dựa trên cơ sở nào mà Chính phủ của họ tuyên bố chủ quyền ở đường đứt đoạn.

Tại Hội thảo mang tên “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế” được Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com tổ chức ngay tại Trung Quốc vào tháng 6/2012, ông Lý Lệnh Hoa, Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc nêu rõ: “Từ xưa đến nay, trên thế giới, không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra đường 9 đoạn không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý”.

Ông Trương Thử Quang, Chủ tịch Hội đồng Học thuật, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc, Giáo sư Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: “Nội hàm của Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 là phân định, bố cục lại vùng biển, để mỗi quốc gia ven biển đều có thể có 200 hải lý, thuận tiện cho các nước khai thác, sử dụng và quản lý biển, để toàn nhân loại đều hướng tới con đường cùng nhau giàu có. Đó cần là căn cứ cơ bản để chúng ta và các nước chung quanh giải quyết tranh chấp Nam Hải. Nước ta là quốc gia đã ký Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 thì chúng ta cần phải xử lý mọi việc theo tinh thần Công ước, tỏ cho thiên hạ thấy sự thành tín của mình”.

5. Mỹ cảnh cáo Trung Quốc không nên gây căng thẳng

Trước thông tin từ phía Nhật Bản thông báo hai máy bay chiến đấu Trung Quốc ngày 25/5 vừa qua đã bay sát một cách bất thường các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Hoa Đông, nơi các vùng nhận dạng phòng không của hai nước chồng lấn nhau, Mỹ đã lên tiếng cảnh cáo Trung Quốc tránh gây nguy cơ căng thẳng trên không phận quốc tế.

Washington đã tuyên bố không công nhận Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực tranh chấp ở Biển Hoa Đông, do Trung Quốc đơn phương thiết lập hồi tháng 11 năm ngoái, đồng thời hối thúc Bắc Kinh nhanh chóng từ bỏ kế hoạch triển khai Vùng nhận dạng phòng không ADIZ.

6. Tổng thống Ukraine sẵn sàng đối thoại với Nga

Sau khi đắc cử Tổng thống Ukraine, ông Poroshenko đã tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Tổng thống Nga Putin nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tìm kiếm hòa bình.

Tuy nhiên, ông Poroshenko cho biết thời gian và địa điểm tiến hành cuộc hội đàm trên chưa được quyết định.

7. Chính quyền quân sự Thái Lan loại trừ khả năng tổng tuyển cử

Trong một phát biểu trên truyền hình tuần qua, Tư lệnh Lục quân Thái Lan, tướng Prayuth Chan-ocha đã loại trừ khả năng tổng tuyển cử tại Thái Lan.

Theo đó, Thái Lan sẽ không tổng tuyển cử trong năm nay và chính quyền quân sự đã đặt ra khung thời gian 1 năm 3 tháng, trước khi xúc tiến các cuộc bầu cử.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước