Chấn động thông tin gần 1.000 người Syria thiệt mạng

Bích Thảo-Thứ năm, ngày 22/08/2013 21:18 GMT+7

Thế giới ngày 21/8 đã bị chấn động bởi thông tin gần 1.000 người Syria bị thiệt mạng trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học mới nhất tại quốc gia Trung Đông này.

Cho đến nay, cả hai bên xung đột tại Syria là quân đội Chính phủ và các phần tử vũ trang đối lập vẫn tiếp tục đổ lỗi cho nhau, còn dư luận quốc tế thì có những phản ứng trái chiều trước vụ việc này.

Một số phương tiện truyền thông trích dẫn lời của các nhà hoạt động đối lập Syria cho rằng, quân đội của Tổng thống Syria al-Assad đứng đằng sau vụ tấn công này. Vụ tấn công xảy ra đúng vào thời điểm một phái đoàn thanh sát viên LHQ đang có mặt tại nước này để điều tra xem liệu vũ khí hóa học có được sử dụng trong cuộc xung đột ở nước này hay không?

‘ Phe đối lập nói hơn 1.000 người thiệt mạng do các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học. (Ảnh: Reuters)

Quân đội Syria đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng đây chỉ là sự thêu dệt nhằm che đậy tổn thất của phe đối lập.

Ông Omran Zoabi, Bộ trưởng Thông tin Syria cho biết: "Tất cả những cáo buộc trên là vô lý, giả tạo, chúng tôi muốn khẳng định rằng, không hề có việc sử dụng vũ khí hóa học, ít nhất là đối với quân đội và nhà nước Syria và điều này rất dễ được kiểm chứng”.

Tối 21/8, Hội đồng Bảo an LHQ đã triệu tập phiên họp kín để bàn về vấn đề này. Các nước phương Tây, trong đó có Anh, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi LHQ mở một cuộc điều tra ngay lập tức và yêu cầu các thanh sát viên LHQ cần được phép tiếp cận với khu vực bị tấn công.

Về phần mình, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết Mỹ sẽ tham vấn với các đối tác trong Hội đồng Bảo an về thông tin vũ khí hóa học được sử dụng tại Syria. Tuy nhiên, Washington tỏ ra thận trọng trước khi có những kết luận cuối cùng. Trước đó, Chính phủ Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria là vượt qua giới hạn đỏ để Washington có thể can thiệp sâu hơn vào cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Ông Josh Earnest, Phát ngôn viên Nhà Trắng nói: “Tôi không muốn suy đoán về những gì sẽ hoặc sẽ không xảy ra. Điều may mắn là chúng tôi có một nhóm điều tra đáng tin cậy của LHQ hiện đang có mặt ở Syria và hãy để cho họ có cơ hội tìm hiểu những gì đã xảy ra. Sau đó, chúng ta mới có thể đưa ra một kết luận chính xác”.

Trong khi đó, Nga và Iran, những đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của phe đối lập Syria. Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, các cáo buộc này dường như nhằm làm xói mòn các nỗ lực triệu tập một hội nghị hòa bình quốc tế về Syria. Còn phía Iran thì khẳng định phe đối lập phải chịu trách nhiệm nếu một cuộc tấn công như vậy được chứng thực.

Hiện có nhiều nghi vấn xung quanh các cáo buộc của phe đối lập. Nhiều người tự hỏi tại sao Chính phủ Syria lại muốn sử dụng vũ khí hóa học vào đúng thời điểm các thanh sát viên LHQ đang có mặt ở nước này và quân đội Chính phủ thì đang giành ưu thế tại khu vực ngoại vi Thủ đô Damascus? Những cáo buộc mới nhất tại Syria càng khiến tình hình thêm phức tạp. Nó cũng khiến sứ mạng của các thanh sát viên LHQ tại Syria trở nên khó khăn hơn.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước