Báo Nga khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa

Nhật Linh-Thứ tư, ngày 04/06/2014 19:31 GMT+7

Ảnh chụp từ website Gazeta.ru

Ngày 1/6, tờ Gazeta.ru, một trong 3 báo điện tử tư nhân lớn nhất ở Nga với lượng truy cập trung bình 3 triệu lượt/ngày, đã có bài viết với tiêu đề “Người Việt Nam sẽ không bao giờ khuất phục” của nhà báo Vladimir Koryagin.

Tác giả đã đưa ra một số chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ yêu sách chủ quyền phi căn cứ của Trung Quốc.

Theo tác giả bài báo, Quần đảo Hoàng Sa không có trong bản đồ của Trung Quốc thời cổ lẫn kim. Các cứ liệu lịch sử cho thấy, vào thế kỷ 17, Việt Nam đã thành lập Hải Đội Hoàng Sa để khai thác tập trung các nguồn lợi của các đảo và để tiếp tế cho các tàu thuyền đi về các đảo. Vào đầu thế kỷ 19 Gia Long - vị vua đầu triều Nguyễn - đã tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Vào thời gian này đã xuất bản nhiều bản đồ, trong đó Hoàng Sa được ghi nhận là lãnh thổ Việt Nam.

Một câu chuyện được dẫn ra để chứng minh việc Trung Quốc không hề có vai trò gì ở đây là vào cuối thế kỷ 19, trong khu vực Hoàng Sa xảy ra tai nạn với 2 chiếc tàu của Vương Quốc Anh chở nhiều tài sản quý. Người dân Trung Quốc thuộc tỉnh Hải Nam đã chiếm hết số tài sản này, khiến người Anh nổi giận. Nhưng khi đó, người Trung Quốc đã trả lời rằng, Hoàng Sa không phải là lãnh thổ của Trung Quốc, bởi thế Chính quyền nước này không chịu trách nhiệm gì về những việc xảy ra trên quần đảo này.

Cùng với bài phân tích này của tác giả Vladimir Koryagin, tờ báo Gazeta đã đăng tải ý kiến của các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông và về quan hệ Việt – Trung để làm rõ thực chất tình hình và triển vọng cho việc giải quyết xung đột.

Ông Grigory Lokshin, chuyên viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam, ASEAN thuộc Viện Viễn Đông, cho rằng: “Việc hạ đặt giàn khoan Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm thô bạo Luật Quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982, do đó đối với tôi ở đây mọi cái rõ ràng. Trung Quốc đơn giản là coi thường các thoả thuận đã có trong khuôn khổ ASEAN trong đó có “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông”. Tuyên bố này được thông qua năm 2002. Nhưng đáng tiếc trong suốt thời gian từ đó đến nay tuyên bố và hành động của Trung Quốc không đi đôi với nhau”.

Cựu chuyên gia quân sự Nikolai Kolesnik, Chủ tịch Tổ chức xã hội liên khu vực các cựu chiến binh ở Việt Nam, khẳng định: “Trách nhiệm trước sự việc xảy ra hoàn toàn thuộc về phía Trung Quốc, là bên đã hạ đặt giàn khoan, hành động trên thế kẻ mạnh, coi thường lợi ích và quyền của láng giềng. Mọi ý định giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp sức mạnh đều dẫn đến ngõ cụt, kết thúc dưới vực thẳm”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước