ASEM 9: Kinh tế bao trùm ngày họp đầu tiên

Anh Phương-Thứ ba, ngày 06/11/2012 09:00 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị. Ảnh: Cổng ĐT chính phủ

Hôm nay (6/11) các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh Á – Âu (ASEM 9) sẽ họp ngày thứ 2 và cũng là ngày cuối cùng. Trong ngày họp đầu tiên của hội nghị, các nhà lãnh đạo đã tập trung vào các vấn đề kinh tế tài chính.

Kinh tế tài chính được xem là chủ đề được quan tâm nhất tại hội nghị thượng đỉnh ASEM lần này trong bối cảnh nợ công của khu vực đồng tiền chung châu Âu đã lên tới 90% GDP, trong khi các nền kinh tế mới nổi của châu Á cũng cho thấy những dấu hiệu hụt hơi tăng trưởng.
Không có gì khó hiểu khi lãnh đạo các nước tới dự ASEM 9 lại đặt nhiền niềm hy vọng vào cơ chế hợp tác Á – Âu để tìm ra một lối thoát cho cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay tại khu vực đồng euro.
Cả chủ tịch hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy và chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Baroso đều khẳng định tăng cường cơ chế hợp tác Á - Âu đang trở thành việc làm cần thiết hơn bao giờ hết.
5 đối tác chiến lược của Liên minh châu Âu hiện nay là các thành viên của ASEM. Châu Á mang tới một thị trường khổng lồ cho châu Âu. EU cũng mang tới cho Châu Á thị trường lớn nhất thế giới. EU hiện là nhà viện trợ lớn nhất tại châu Á và cũng là khu vực chuyển giao khoa học công nghệ cho khu vực châu Á hàng đầu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso phát biểu: “Ngồi tại đây, chúng ta đang đại diện cho một nửa dân số thế giới, hơn một nửa GDP toàn cầu và 55% thương mại thế giới. Đó là những con số ấn tượng cho thấy vai trò trung tâm của mối quan hệ Âu – Á. Nhưng quan trọng hơn những con số và thống kê, đó chính là một ý chính trị để cùng giải quyết những thách thức ngày nay. Chính mối quan hệ của chúng ta là chìa khóa cho thịnh vượng và an ninh của thế giới”.
Theo bản dự thảo tuyên bố chủ tịch, dự kiến sẽ được công bố vào ngày mai, các thành viên của ASEM sẽ cam kết “không thiết lập thêm những rào cản thương mại, coi đó như một biện pháp thiết thực nhất để đưa 2 châu lục thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay”.
Các nước EU cũng rất nhấn mạnh tới các hiệp định thương mại song phương với các nước châu Á, đó là hiệp định thương mại tự do EU – Hàn Quốc đã được ký kết, các hiệp định thương mại tư do đang được đàm phán để tiến tới ký kết giữa EU với Singapore, Malaysia, Việt Nam và Ấn Độ. Trong tương lai thì còn có thể có cả hiệp định thương mại tự do EU – Nhật Bản nữa.
Ông Miroslav Lajcak – Phó thủ tướng Slovakia cho biết: “Khả năng kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu có yếu tố quyết định tới khả năng xuất khẩu, cũng như tăng trưởng và việc làm của châu Á. Và ngược lại, khả năng các nước châu Á có thể kích thích nền kinh tế cũng như tái cơ cấu tăng trưởng theo hướng nghiêng về tiêu dùng nội địa cũng thiết yếu không kém tới phục hồi và tăng trưởng của châu Âu.
Chúng ta chắc chắn sẽ phải đồng ý rằng việc tiến hành các hiệp định thương mại tự do giữa EU với các nước châu Á sẽ đóng một vai trò quan trọng. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng EU sẽ không xao nhãng việc ký kết các hiệp định thương mại tự do trong khuôn khổ ASEAN”.
Trong ngày họp cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh ASEM 9, các nhà lãnh đạo sẽ có các phiên họp toàn thể về các thách thức toàn cầu, các vấn đề khu vực, hợp tác trong lĩnh vực văn hóa xã hội và chủ đề tương lai hợp tác của ASEM.
Tin bài liên quan:

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước