Ai Cập thời hậu Morsi – "Ngàn cân treo sợi tóc"

Úy Thương-Thứ sáu, ngày 05/07/2013 19:00 GMT+7

Gần hai ngày đã trôi qua tại Ai Cập sau khi ông Morsi, vị Tổng thống dân cử đầu tiên của nước này bị lực lượng quân đội phế truất, tình hình tại quốc gia này được đánh giá là đang rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Dư luận đang lo ngại về một sự phản kháng quyết liệt của Tổ chức anh em Hồi giáo và những người ủng hộ ông Morsi trước những hành động mà họ coi là một cuộc đảo chính của lực lượng quân đội. Câu hỏi đặt ra lúc này là tương lai của Ai Cập sẽ ra sao và những tác động của nó tới tình hình khu vực sẽ thế nào?

‘ Xe tăng quân đội Ai Cập trên đường phố Thủ đô Cairo. (Ảnh: AP)

Lực lượng quân đội Ai Cập xuất hiện trở lại trên các đường phố ở Thủ đô Cairo, tạo thành một hàng rào thép xung quanh trụ sở của tổ chức anh em Hồi giáo ở phía Bắc thành phố này.

Trước mặt họ là những người biểu tình ủng hộ ông Morsi, người vừa bị lực lượng quân đội phế truất. Những người thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo không cam tâm chấp nhận cuộc chính biến mà họ gọi đó là một cuộc đảo chính. Họ tập trung tại đây dự định tổ chức các cuộc biểu tình lớn bắt đầu từ ngày hôm nay với quyết tâm đưa lãnh đạo của họ quay trở lại nắm quyền.

Ông Gehad El Haddad, người phát ngôn của Tổ chức Anh em Hồi giáo cho biết: “Bắt đầu là một cuộc đảo chính quân sự. Và giờ đây mọi việc đang dần đi xa hơn cả một cuộc đảo chính. Từ đêm qua tới giờ, người ta đang đặt ra câu hỏi về những âm mưu của quân đội nhằm giải tán Tổ chức Anh em Hồi giáo”.

Trong một diễn biến mới nhất, Tổng công tố Ai Cập Meguid Mahmoud đã ban bố lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống bị phế truất Morsi và 35 thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo để điều tra về các cáo buộc sát hại người biểu tình.

Với làn sóng bắt giữ hàng loạt các thủ lĩnh và các thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng này dường như đang bị dồn vào thế chân tường. Một lực lượng chính trị cầm quyền giờ đây phải tìm kiếm sự trú ẩn an toàn phía sau hàng rào những người ủng hộ của mình sẽ phản kháng ra sao? Đây là điều mà dư luận đang lo ngại khi Tổ chức Anh em Hồi giáo đã bác bỏ sự hợp tác với chính quyền mới. Trong khi đó, hàng nghìn người ủng hộ ông Morsi đã tập trung ở các thành phố lớn của Ai Cập tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình ngồi và thề sẽ chiến đấu đến chết để bảo vệ vị tổng thống hợp hiến của họ.

Abdel Rahman Ismail, người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohammed Morsi nói: “Chúng tôi sẽ ngồi ở đây cho tới khi ông Morsi quay trở lại làm Tổng thống, hiến pháp phải được lập lại. Chúng tôi sẽ không rời khỏi đây nếu ông ấy chưa trở lại”.

Bất ổn và bạo lực chưa phải là viễn cảnh duy nhất mà người dân Ai Cập phải đối mặt. Đó còn là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ai Cập, là vô vàn những khó khăn về kinh tế như tăng trưởng chậm, tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Một thách thức nữa đối với Ai Cập hiện nay chính là ở chỗ lực lượng nào sẽ đủ khả năng thay thế Tổ chức Anh em Hồi giáo. Bởi không thể phủ nhận rằng, từ nhiều năm nay, tổ chức này luôn được đánh giá là một phong trào có tổ chức tốt không chỉ riêng ở Ai Cập, mà còn ở nhiều quốc gia Arab khác. Họ vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất và từng giành chiến thắng trong tất cả các cuộc bầu cử, bỏ phiếu gần đây, bao gồm các cuộc bầu cử thượng viện, Quốc hội, Tổng thống và cuộc trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp hồi cuối năm 2012. Việc gạt Anh em Hồi giáo ra khỏi tiến trình chính trị sẽ đẩy tổ chức này vào con đường cực đoan nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia.

Tất cả những thách thức này được xem sẽ là những trở ngại không dễ gì vượt qua đối với bất kỳ chính quyền mới nào tại Ai Cập. Lộ trình chính trị của Ai Cập được dự báo sẽ không phải là một con đường bằng phẳng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước