Trong tháng 2 này, tác phẩm được lựa chọn lên sóng khung giờ VTV Đặc biệt là bộ phim tài liệu khoa học nghệ thuật Bản hòa tấu Sơn Đoòng. Bộ phim có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài liệu khoa học và nghệ thuật của âm nhạc, ánh sáng. Phim được kỳ vọng sẽ lôi cuốn khán giả bởi những cảnh quay công phu, lột tả vẻ đẹp kỳ vĩ của hang động dài hơn 4km này.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ mới vào việc làm phim cũng tạo nên yếu tố đặc biệt cho Bản hòa tấu Sơn Đoòng. Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện, cũng như việc sử dụng công nghệ mới trong bộ phim, VTV News đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn trẻ Nguyễn Tài Văn – thành viên trong ê-kíp Bản hòa tấu Sơn Đoòng.
Thưa anh Tài Văn, là một người có nhiều kinh nghiệmtrong quá trình làm phim tài liệu khoa học , anh đã từng làm phim ở nơi nào có địa hình đặc biệt như Sơn Đoòng chưa?
- Trong quá trình quay phim, làm phim về các đề tài khám phá về thiên nhiên, tôi đã từng trải qua rất nhiều những địa hình khó khăn, khắc nghiệt. Nhưng địa hình hang động vừa kết hợp với đồi núi, sông suối như Sơn Đoòng là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc.
Đạo diễn Nguyễn Tài Văn (trái) trong hành trình làm phim "Bản hòa tấu Sơn Đoòng".
Trước khi thực hiện bộ phim, anh cùng ê-kíp đã nghiên cứu, khảo sát địa hình Sơn Đoòng như thế nào?
- Trước khi khởi quay, tôi và tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm đã được lãnh đạo Ban Khoa giáo tạo điều kiện đi khảo sát địa hình Sơn Đoòng trong vòng 1 tuần. Vì thế, tôi đã có cơ hội biết trước được những điểm mình cần phải bố trí các thiết bị chiếu sáng, những cụm cảnh nào là tiêu biểu cần phải nhấn mạnh để làm nổi bật được sự kỳ vĩ của Sơn Đoòng. Vì vậy, trong quá trình làm phim, tôi không bỡ ngỡ và choáng ngợp trước khung cảnh đặc biệt ở Sơn Đoòng.
Nhưng còn các thành viên khác của ê-kíp sản xuất Bản hòa tấu Sơn Đoòng do không thể tham gia khảo sát trước nên cũng gặp nhiều khó khăn. Họ không hình dung ra được sự kỳ vĩ của Sơn Đoòng và bị choáng ngợp trước những khung cảnh ấy. Sau chuyến làm phim, một số người tâm sự rằng họ không ngờ đoạn đường đến được cửa hang Sơn Đoòng lại gian nan đến như vậy.
Được biết, để làm nổi bật sự kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng, ê-kíp đã phải dùng những thiết bị công nghệ mới để ghi hình?
- Những thiết bị được sử dụng trong phim chỉ mới đối với Việt Nam. Bởi trên thế giới, các nhà làm phim đã vận dụng các thiết bị hiện đại này từ lâu. Nhưng có thể nói, đây cũng là một trong những bộ phim khoa học đầu tiên ở Việt Nam sử dụng thiết bị hiện đại làm phim như scan 3D và flycam.
Anh có thể chia sẻ rõ hơn về việc vận dụng công nghệ mới trong quá trình làm phim không?
- Thực tế hiện nay, những người chụp ảnh, quay phim bên ngoài bắt đầu sử dụng flycam khá nhiều. Nhưng quay phim bằng flycam trong lòng hang tối không có ánh sáng, không có được định vị GPS như Sơn Đoòng lại là thử thách rất khó đối với người điều khiển thiết bị bay này. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi đứng trước những thử thách như vậy. Tổ flycam phải rất vất vả để thực hiện được cảnh quay đúng như ý đồ của đạo diễn. Ví dụ, cảnh quay trong lòng hang rộng 200m, trong đó có cột đá cao hơn 100m, nhóm phải cho một nhân vật trèo lên cột đá.
Flycam được sử dụng trong quá trình làm phim, ở điều kiện thiếu ánh sáng.
Trong khi flycam phải bay vòng tròn ở trên với điều kiện ánh sáng yếu, các góc cạnh của hang không thể phân biệt được điểm độ lồi ra là bao nhiêu. Hơn nữa, trong hang lại hoàn toàn không có GPS nên người điều khiển flycam gần như phải dựa vào kỹ năng điều khiển của chính mình. May mắn là chúng tôi đã có kinh nghiệm tác nghiệp ở nhiều địa hình khó khăn nên vẫn có được những cảnh quay thành công.
Còn đối với thiết bị scan 3D, đây là lần đầu tiên ê-kíp đưa ứng dụng công nghệ này vào khai thác để làm phim. Thiết bị dùng một chùm tia lazer để quét và thu lại những gì đang có trong một khoảng cách. Máy của chúng tôi có khoảng cách thu được là 330m. Những gì mà tia lazer va đập lại thì thiết bị đều thu nhận được, sau đó hình ảnh sẽ được tập hợp và dựng lại bằng phần mềm chuyên dụng, tạo thành mô hình hang Sơn Đoòng như thật.
Mô hình 3D này sẽ được ứng dụng vào phim giúp cho những người làm phim có thể mô phỏng lại sự kỳ vĩ của hang Sơn Đoòng giúp tới khán giả - những người chưa có điều kiện đặt chân đến Sơn Đoòng, giúp họ có cảm giác như đang đi du lịch ở đó. Độ chính xác của scan 3D là 0,2mm, mang đến những hình ảnh với góc cạnh rất chi tiết, giúp ghi lại các điểm khuất trong điều kiện ánh sáng yếu. Thiết bị này giúp những người làm phim giải quyết được vấn đề là làm thế nào để có thể mô tả được tổng thể của hang Sơn Đoòng.
Khó khăn trong quá trình quay là thế. Vậy, để vận chuyển được những thiết bị công nghệ này vào hang Sơn Đoòng, anh và ê-kíp đã gặp phải những khó khăn gì?
- Do điều kiện trong hang không có ánh sáng, mà đối với truyền hình thì hình ảnh là vấn đề được ưu tiên hàng đầu, vì vậy nếu không có các thiết bị chiếu sáng thì không thể ghi lại được hình ảnh gì, nên trong quá trình làm phim, ê-kíp phải sử dụng nhiều đèn chiếu sáng với công suất lớn. Chúng tôi phải dùng đến 8 máy nổ phụ trợ cho 8 cây đèn day-light. Nếu quay phim ở điều kiện bình thường bên ngoài, một máy nổ lớn có thể dùng phụ trợ cho 2 - 3 cây đèn. Nhưng vì điều kiện địa hình hiểm trở nên chúng tôi phải dùng máy nổ công suất nhỏ, với cân nặng 45kg để một người có thể gùi được khi di chuyển. Ê-kíp đã phải tính toán một cách hợp lý, chia nhỏ từng bộ phận để tiện cho những người khuân vác di chuyển trong lòng hang.
Quá trình vận chuyển thiết bị và di chuyển của cả đoàn phim gặp nhiều trở ngại.
Ê-kíp sản xuất chính chỉ có 13 người, nhưng tổng số người khuân vác, phục vụ lên tới 87 người. Bên cạnh đó, có thêm 3 chuyên gia về hang động của Hội hang động Hoàng gia Anh. Tổng khối lượng thiết bị mà 87 người phải di chuyển lên tới hơn 1 tấn, chưa kể phải mang thêm 600 lít xăng để dùng cho máy nổ trong 10 ngày.
Được biết ê-kíp tới làm phim ở Sơn Đoòng vào đúng mùa lũ. Trở ngại này về thời tiết đã khiến cả đoàn phải đối mặt ra sao?
- Chúng tôi tới Sơn Đoòng vào mùa lũ, nước dâng cao ngập đến bụng. Ngày đầu tiên là ngày vất vả cho cả đoàn. Chúng tôi phải leo dốc, băng rừng trong lúc trời mưa và còn phải qua nhiều con suối, nhiều đoạn dốc. Ban đầu, mọi người còn nghĩ cách để giúp quần áo khô, trang bị thêm găng tay để tránh vắt. Nhưng tới ngày thứ 2, không ai còn nghĩ tới điều đó mà chỉ nghĩ làm sao vượt qua được địa hình đó vì mục đích của chúng tôi là hang Sơn Đoòng chứ không phải là những con suối hay những dốc đá. Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục chinh phục mà không ai kêu ca gì.
Theo tôi, đoạn khó nhất trong quá trình di chuyển là khi tụt từ cửa hang xuống đáy, độ sâu tới 80m nên phải đu dây. Không phải ai cũng từng học qua lớp leo núi nhưng nhờ sự hướng dẫn của các chuyên gia về hang động, các thành viên của đoàn cũng biết cách xuống tới nơi. Vượt qua khó khăn của hành trình, may mắn là mọi người đều an toàn, không một thành viên nào trong ê-kíp bị ốm hay bị xây xát quá nặng suốt 10 ngày tác nghiệp trong điều kiện ẩm ướt như vậy.
Mong muốn ban đầu của đoàn là tới bức tường Việt Nam. Đó là điểm cuối cùng của hang với độ cao khoảng 160m. Đây là một khối nhũ đá được hình thành lâu năm. Theo các chuyên gia về hang động, bức tường này rất mềm nên khi khảo sát, họ đã phải rất vất vả để tìm được các vị trí để khoan và bắt vít, cố định dây nên khó để leo vượt qua nó. Chúng tôi muốn tới điểm đó để scan 3D toàn bộ, nhưng từ điểm không vào được cho tới bức tường là khoảng 400m, nước lũ lại dâng lên đến 20m. Vì thế, chúng tôi đã không thể tiếp cận tới điểm cuối cùng này.
Vừa qua, chúng tôi đã quay lại Sơn Đoòng để scan 3D bức tường Việt Nam, hoàn thành trọn vẹn nội dung bộ phim Bản hòa tấu Sơn Đoòng. Lần này, chúng tôi đi từ cửa sau của hang, đường đi tuy ngắn hơn nhưng địa hình hiểm trở hơn, có nhiều đá tai mèo dễ gây sát thương.
Hành trình làm phim gặp nhiều gian nan như vậy. Nhưng bên cạnh đó, anh thấy hang Sơn Đoòng có điều gì kỳ thú?
- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi cũng như mọi người trong đoàn đều rất háo hức khám phá hang động thuộc hàng kỹ vĩ nhất thế giới ra sao. Khi đưa thiết bị chiếu sáng vào hang, những điểm khuất trong đó trở nên bừng sáng, ai cũng thấy vô cùng thích thú. Nhất là những nhũ đá được cấu thành từ lâu năm trông rất đẹp, có bán kính từ 16 - 20m. Tôi ấn tượng với cả những cột đá cao hơn 80 - 100m. Thậm chí, có những viên đá do nước bào mòn lâu năm trở nên rất đặc biệt vì độ tròn xoe, trông như những viên ngọc. Từ đó, mới thấy phải mất bao nhiêu thời gian mới có được vẻ đẹp tự nhiên tinh túy đến vậy. Sau một ngày mệt nhọc, ngắm nhìn những hình ảnh đó, chúng tôi thấy công sức bỏ ra là xứng đáng và quên đi phần nào vất vả.
Trong trailer bộ phim, tôi thấy xuất hiện cả một dàn nhạc. Ê-kíp đã làm thế nào để kết hợp được âm nhạc với công nghệ trong phim?
- Âm nhạc kết hợp với công nghệ là ý tưởng ban đầu của tổng đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm, nhằm kết hợp tính nghệ thuật với nội dung mang tính khoa học, giúp bộ phim sinh động hơn và được dẫn dắt mềm mại hơn. Hình ảnh ban nhạc được lồng ghép lúc đang chơi Bản hòa tấu số 5 của Beethoven, cũng là bản nhạc nói về thiên nhiên. Việc lồng ghép bản nhạc vào trong phim khoa học sẽ làm người xem không thấy khô khan. Sự hùng vĩ của hang Sơn Đoòng được miêu tả bằng lời sẽ không đủ nếu không vận dụng cả ngôn ngữ nghệ thuật. Hơn nữa, nếu đưa 70 thành viên của dàn nhạc vào trong hang là điều không tưởng. Khó khăn là những nhạc công có di chuyển được không, chưa kể cả chi phí và lượng người khuân vác. Vì thế, chúng tôi đã vận dụng các thủ pháp về nghề nghiệp để lồng ghép hình ảnh dàn nhạc bên ngoài vào những đoạn cao trào của phim.
Theo anh, sự cần thiết của việc ứng dụng công nghệ vào những bộ phim khoa học là gì?
- Hình ảnh trong một tác phẩm truyền hình là yếu tố rất quan trọng, chiếm vai trò chủ đạo. Đặc biệt, trong các bộ phim khoa học, hình ảnh lại càng trở nên cần thiết, giúp minh họa và mô tả chi tiết những nội dung khoa học, để người xem hiểu rõ hơn. Vì thế, các thiết bị công nghệ được ứng dụng vào xây dựng hình ảnh trong thể loại phim này càng giúp truyền tải nội dung hiệu quả hơn. Bên cạnh hình ảnh cố định, phim khoa học còn cần đến những hình ảnh động, nhờ công nghệ mới tạo nên được.
Như trong quá trình làm phim về hang Sơn Đoòng, chúng tôi sử dụng flycam để quay được xung quanh những trụ đá hay những cảnh bay từ dưới đáy của hang vượt qua ngoài cửa, lộ sáng ở độ cao gần 300m, có thể hình dung là cú bay này của chúng tôi bay ở độ cao hơn cả tòa nhà Keangnam. Còn công nghệ scan 3D giúp người xem hình dung bao quát được, theo dõi được từ đầu đến cuối lòng hang, xem được các điểm khuất như mong muốn.
Liệu đây có thể trở thành “xu thế” làm phim khoa học của Đài Truyền hình Việt Nam thời gian tới?
- Công nghệ ngày càng phát triển thì càng giúp ích cho những người làm phim khoa học có thể thỏa sức bay nhảy, sáng tác, biểu đạt ý tưởng của mình bằng hình ảnh. Nhiều nước có nền khoa học - kỹ thuật phát triển họ đã vận dụng công nghệ hiện đại vào quá trình làm phim khoa học và đã rất thành công. Nên tôi nghĩ, trong tương lai, có điều kiện thì chúng ta có thể đầu tư, trang bị các thiết bị cần thiết để các sản phẩm truyền hình cũng như phim khoa học của chúng ta ngày càng phát triển hơn nữa.
Trước Bản hòa tấu Sơn Đoòng, anh từng rất thành công với phim khoa học đầu tay Chuyện của đá trong vai trò đạo diễn và giành được 2 giải thưởng Cánh diều vàng. Vậy năm 2015 này, anh có dự định tranh giải bộ phim nào không?
- Hàng năm, Hội điện ảnh đều tổ chức cuộc thi cho những người làm phim trong nước cùng tham gia. Năm nay, phòng Phim tài liệu khoa học, Ban Khoa giáo – Đài Truyền hình Việt Nam đã gửi 8 tác phẩm đi dự thi. Tất nhiên, ai tham gia cũng hy vọng được giải để đánh giá 1 năm thành công. Nhưng đối với chúng tôi, đây đơn giản là một sân chơi để những người cùng làm trong nghề có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm. Giải thưởng không nói lên được tất cả. Quan trọng là tác phẩm chúng tôi làm ra mang đến điều gì cho khán giả.
Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!
Bộ phim tài liệu khoa học nghệ thuật Bản hòa tấu Sơn Đoòng đã được phát sóng trong khung giờ VTV Đặc biệt ngày 14/2 trên kênh VTV1.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online VTV1!