Web drama (phim chiếu mạng) là khái niệm dùng để chỉ những bộ phim trực tuyến được chia thành nhiều tập, có đầy đủ các yếu tố đạo diễn, kịch bản, nhân vật, bối cảnh và phục trang như một bộ phim truyền hình.
Tại Trung Quốc, trước tình trạng kiểm duyệt khắt khe của Tổng cục Điện ảnh, từ năm 2009, nhiều nhà sản xuất đã chọn cách phát hành tác phẩm của mình qua các trang chiếu phim trên mạng mà vẫn thu được lợi nhuận từ tiền quảng cáo. Theo thống kê, năm 2015, Trung Quốc có 5 bộ phim đạt lượt xem trên 1 tỷ, trong đó có tới 3 bộ phim chiếu mạng. Năm 2016, 2 bộ phim chiếu trên mạng là Thái tử phi thăng chức ký, Thượng Ẩn thậm chí còn tạo "cơn bão" trên phạm vi khắp châu Á.
Web drama "Thái tử phi thăng chức ký" làm mưa làm gió khắp châu Á trong đó có cả Việt Nam
Tại Hàn Quốc, web drama cũng đang trở thành xu hướng ưa chuộng của các nhà sản xuất phim Hàn Quốc trong những năm gần đây. Thậm chí ba "ông trùm" của làng giải trí xứ kim chi là SM, YG và JYP Entertainment cũng bắt đầu sản xuất phim chiếu mạng với dàn sao là các thành viên của nhiều nhóm nhạc hàng đầu như: GOT7, Ji Hyun (4Minute), Bora (Sistar), EXO, Sandara Park (2NE1) …
Web drama đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của khán giả xứ Kim Chi
Tại Việt Nam, web drama xuất hiện từ những năm 2010. Ban đầu, dòng phim này mới chỉ được những nhà làm phim nghiệp dư tuổi quan tâm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, web drama đã không còn là sân chơi dành riêng cho những bộ phim vốn đầu tư ít, dàn diễn viên không ăn khách nữa. Nhiều ê kíp làm phim chuyên nghiệp với đội ngũ diễn viên nổi tiếng cũng đã bắt tay đầu tư vào phim chiếu mạng.
Thực tế đã cho thấy, web drama đang là một trong những kênh giới thiệu tác phẩm đến công chúng một cách vô cùng nhanh chóng và hiệu quả, chưa kể việc nhà sản xuất sẽ có cơ hội thu lợi nhiều hơn khi cùng lúc bán phim cho cả đài truyền hình và các trang chiếu online.
BHD đầu tư làm Glee phiên bản Việt để chiếu trên mạng
Vì thế, thời gian qua, các công ty điện ảnh đã mạnh dạn đầu tư và phát triển mạng lưới phim mạng. Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) đầu tư vào dịch vụ SCTV-VOD, Viettel có dịch vụ truyền hình theo yêu cầu NextTV, Truyền hình cáp VTVcab có dịch vụ VCTV ON, Công ty Galaxy Media & Entertainmen có dịch vụ Fiml+, Công ty BHD có dịch vụ Danet...
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, web drama sẽ trở thành đối thủ lớn của phim truyền hình bởi những ưu thế riêng. Thứ nhất, chi phí sản xuất thấp hơn nhiều. Thứ hai, các bộ phim gần như không bị bó buộc bởi quá trình kiểm duyệt nên dễ dàng thử nghiệm những đề tài mới lạ.
Web drama cho phép thử nghiệm những đề tài mới lạ
Điều này thể hiện một cách rõ ràng nhất khi 4 tập phim Người phán xử tiền truyện được VFC sản xuất và phát trực tuyến trên VTV giải trí. Người phán xử tiền truyện là câu chuyện về góc khuất của thế giới ngầm. Khi được làm thêm 4 tập chiếu trên mạng đã mang tới cơ hội cho đạo diễn thoải mái thể hiện ý tưởng của mình nhằm mang lại cho khán giả những cảm nhận chân thật nhất.
Chính vì vậy, số lượng khán giả tìm đến và trung thành với web drama ngày càng nhiều hơn. Việc mỗi tập phim như: Người phán xử tiền truyện, LaLa School, Glee phiên bản Việt, Tấm Cám chuyện Huỳnh Lập, Nụ hôn kí ức… khi chiếu thu hút hàng triệu lượt xem đã không còn là điều hiếm thấy.
VFC cũng không đứng ngoài cuộc chơi
Sự lên ngôi và khẳng định chỗ đứng của phim chiếu mạng trong thị trường phim giải trí Việt là lí do khiến ngày càng nhiều cá nhân và công ty dám mạnh dạn đầu tư, thậm chí đầu tư lớn vào thị trường web drama và khiến sự cạnh tranh trong lãnh địa này không ngừng tăng lên.
Không chỉ cạnh tranh nhau, các nhà làm phim chiếu mạng cũng sẽ là đối thủ cạnh tranh của các đài truyền hình. Bởi thế, web drama cũng sẽ sớm trở thành đối thủ đáng gờm của phim truyền hình.
'La La school' phần 2 đã lấn sân vào truyền hình sau thành công của phần 1 chiếu mạng
Để không đứng ngoài cuộc chơi, Đài THVN, cụ thể là VFC, cũng đã có kế hoạch đầu tư và phát triển vào thị trường web drama. Theo đạo diễn Khải Anh, đây sẽ là xu hướng của VFC trong thời gian tới để bắt kịp và đáp ứng nhu cầu của khán giả.