Xét xử vụ đòi giấy tờ từ vụ án oan trị giá 90 tỷ đồng

PV-Thứ năm, ngày 31/03/2022 06:07 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Châu Ngọc Ngừng, buộc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre có trách nhiệm trả cho ông Ngừng 59 giấy tờ.

Ngày 30/3, Tòa án nhân dân thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ đòi bồi thường oan, nguyên đơn là ông Châu Ngọc Ngừng (sinh năm 1957, ngụ xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre); bị đơn là Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre và Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre được xác định là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan trong vụ án.

Hội đồng xét xử tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ngừng, buộc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre có trách nhiệm trả cho ông Ngừng 59 giấy tờ (được đánh số từ 1-59) mà cơ quan này đã thu giữ của ông từ năm 1990 trong lúc ông bị bắt oan.

Theo ông Ngừng, 59 giấy tờ nói trên có liên quan đến việc kinh doanh và cho vay của ông trước đây, gồm các hợp đồng mua bán gỗ, các giấy ông Ngừng cho người khác vay tiền. Vì không có bản gốc, ông không thể đòi được tiền, gây thiệt hại rất lớn đối với ông.

Ông Ngừng cho hay, vụ án xảy ra đến nay đã kéo dài 32 năm kể từ thời điểm ông bị bắt và thu giữ giấy tờ oan. Nay cơ quan điều tra tiếp tục kéo dài thêm thời gian để tìm kiếm nhưng không xác định thời gian cụ thể bao lâu sẽ gây thêm tổn thất cho ông.

Ông Ngừng cho biết, trong 26 giấy tờ còn lại, ông chỉ yêu cầu cơ quan điều tra trả 14 giấy tờ đã thu giữ. Nếu không tìm được, cơ quan điều tra có trách nhiệm phải bồi thường cho ông tổng giá trị của 14 giấy tờ này là trên 90 tỷ đồng.

Tại tòa, ông Lê Ngọc Yên (Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre) - đại diện ủy quyền người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan của Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bến Tre cho biết, cơ quan điều tra có thu giữ của ông Ngừng 59 giấy tờ thời điểm khám xét, bắt ông Ngừng vào năm 1990.

Thời điểm thu giữ các giấy tờ của ông Ngừng là để phục vụ điều tra cho 3 vụ án, trong đó có vụ án Hồ Văn Hoàng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồ sơ các vụ án này đang được lưu giữ tại Tòa án nhân dân Tối cao nên việc tìm kiếm gặp khó khăn.

Theo ông Yên, trong 59 giấy tờ đã thu giữ, đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre liên hệ với Tòa án nhân dân Tối cao đã tìm được 33 giấy tờ trong hồ sơ của vụ án Hồ Văn Hoàng. Hiện còn 26 giấy tờ chưa tìm được, cơ quan điều tra đã liên hệ với Tòa án nhân dân Tối cao để hỗ trợ tìm kiếm nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Cơ quan điều tra cần có thêm thời gian để tiếp tục liên hệ, khi nào tìm được sẽ trả cho ông Ngừng.

Hội đồng xét xét xử nhận định, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra không trả lại các giấy tờ đã thu giữ của ông Ngừng khiến ông Ngừng không thể thực hiện quyền khởi kiện đối với những người trước đây đã xác lập giao dịch với ông. Từ căn cứ trên, Hội đồng xét xử nhận định, việc ông Ngừng yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra trả lại cho ông 59 giấy tờ đã thu giữ là có căn cứ.

Theo hồ sơ, ngày 10/12/1990, ông Châu Ngọc Ngừng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre khởi tố, bắt tạm giam về tội "nhận hối lộ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Lúc này, ông Ngừng là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Bến Tre, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND Phường 6, thị xã Bến Tre.

Sau hơn 2 năm bị bắt tạm giam, ông Ngừng được tòa án thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho tại ngoại. Ngày 1/11/1993, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên ông Ngừng không phạm hai tội như cáo buộc của Viện Kiểm sát. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre đã có quyết định kháng nghị phần dân sự trong bản án hình sự. Kháng nghị này được tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại TP Hồ Chí Minh chấp nhận.

Sau khi bản án có hiệu lực, ông Ngừng có đơn yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre và Cơ quan điều tra, Công an tỉnh Bến Tre phải bồi thường oan sai cho ông.

Tại đơn khởi kiện, ông Ngừng yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre phải xin lỗi công khai và bồi thường cho ông số tiền hơn 7,4 tỷ đồng gồm tiền tổn thất tinh thần, tiền lương 2 năm không được xét, mất thu nhập sản xuất kinh doanh...

Ngoài ra, ông Ngừng còn yêu cầu bồi thường tiền chênh lệch giá do Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bến Tre chậm bồi thường oan sai và Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre chậm trả tang vật gây tổn thất về kinh tế cho ông.

Tại đơn khởi kiện, ông Ngừng còn đề nghị Tòa tuyên buộc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bến Tre phải bồi thường cho ông số tiền hơn 151 tỷ đồng. Lý do: khi bị bắt, cơ quan điều tra đã thu giữ của ông một số giấy tờ có đánh số thứ tự từ 1 đến 59.

Đây là các giấy tờ thể hiện việc ông mua bán, cho vay, góp vốn kinh doanh, chơi hụi... với nhiều người. Cơ quan tố tụng thu giữ của ông một sổ tiết kiệm. Nếu không trả được giấy tờ và sổ tiết kiệm, phải bồi thường cho ông. Số tiền này sau đó ông đã thay đổi xuống còn 90 tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước